Cây củ mài hay còn gọi là khoai mài, thuộc họ dây leo quấn, thường được trồng ở miền núi, trung du và đồng bằng. Người ta thường dùng củ mài để chế biến món ăn, làm bánh.

Theo cuốn “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Khoa học và Kỹ thuật), trong y học cổ truyền, dược liệu củ mài được gọi là hoài sơn. Người dân thường thu hoạch củ mài vào mùa đông và đầu xuân, khi cây tàn lụi, sau đó đem rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành từng khúc, đánh bóng, phơi khô để làm dược liệu.

{keywords}
Củ mài - Hình minh họa: parkandpick.rw

Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế tỳ, vị, thận có tác dụng bổ tỳ, dưỡng vị, sinh tân, ích phế, bổ thận, chỉ khát (giải khát).

Hoài sơn được coi là vị thuốc bổ chữa tỳ vị hư nhược, ăn uống kém tiêu, viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày không khỏi, phế hư ho hen, bệnh tiểu đường, bạch đới (bệnh khí hư ở phụ nữ).

Đặc biệt, củ mài cũng có công dụng tốt trong chữa chứng di tinh (hiện tượng tinh dịch xuất tự nhiên, không có khoái cảm mà chỉ thấy tinh dịch chảy ra ướt quần) và mộng tinh (hiện tượng xuất tinh nhưng không có động tác giao hợp nam nữ và vẫn thấy khoái cảm cực độ). Liều dùng là từ 10 đến 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột, thường được dùng kết hợp cùng các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc có củ mài:

- Chữa chứng di tinh, mộng tinh ở nam giới: Hoài sơn cùng quả chốc xôi (sao vàng), tất cả sắc uống.

- Bài thuốc bổ thận tinh, cố tràng vị (theo tài liệu nước ngoài): Hoài sơn nấu với gạo thành cháo để ăn.

- Chữa bệnh tiểu đường: hoài sơn 180g, liên tử 90g, phục linh 40g, ngũ vị tử 350g, thỏ ty tử 300g. Tất cả nghiền thành bột rây mịn, thêm rượu, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 50 viên với nước cơm.

- Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ em, có kèm tiêu chảy: Hoài sơn 100g, đảng sâm (hoặc bố chính sâm) 50g, ý dĩ 100g, bạch truật 50g, mạch nha 100g, hạt cau 25g cùng 25g vỏ quýt. Tất cả sao vàng, tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi ngày ăn từ 16 đến 20g bột.

- Chữa tỳ vị hư nhược, ăn ít, tiểu nhiều, tiêu chảy lâu không khỏi: Hoài sơn, đảng sâm, bạch truật (sao), mỗi vị 10g, sắc nước uống. Hoặc cũng có thể dùng hoài sơn nấu với gạo thành cháo ăn vào mỗi buổi sáng.

- Chữa đau đầu, chóng mặt, chân tay lạnh, đau mình mẩy, ăn uống kém: Hoài sơn 60g, ngũ vị tử 180g, nhục thung dung 120g, đỗ trọng (sao) 90g, thỏ ty tử 90g, thần phục 30g, ba kích 30g, thục địa 30g, ngưu tất 30g, trạch tả 30g, xích thạch 30g. Tất cả nghiền thành bột, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu đen. Mỗi lần uống từ 20 đến 30 viên.

- Thuốc kiện tỳ tiêu thực, dùng cho trẻ em gầy yếu: Hoài sơn (sao) 60g, phục linh 45g, bạch biển đậu (sao) 45g, sơn tra 45g, mạch nha 45g, thần khúc 45g, đương quy 45g, bạch truật (sao) 30g, trần bì 30g, sử quân tử 30g, hoàng liên 20g, cam thảo 20g. Tất cả tán bột, rây mịn, trộn với mật làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần uống khoảng 3g, ngày uống từ 2 - 3 lần.

Nguyễn Liên

Cây hẹ chữa nhiều bệnh nam khoa

Cây hẹ chữa nhiều bệnh nam khoa

 - Cây hẹ có công dụng ích thận khí, mạnh dương trong khi hạt hẹ là dược liệu rất hữu hiệu trị chứng di tinh, mộng tinh, tinh yếu do hư lao.