Huyện Cư M'gar được thành lập vào ngày 23/01/1984 với dân số lúc bấy giờ chưa đầy 41.200 người.
Là một huyện miền núi, dân số thưa thớt, kết cấu hạ tầng hầu như chưa có gì, đất đai chưa được khai phá, sản xuất nông nghiệp manh mún, canh tác lạc hậu… nên đời sống của đại bộ phận nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên với niềm tin và khát vọng vươn lên của nhân dân địa phương, sau 40 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Cư M'gar đã trở thành một vùng quê trù phú đầy triển vọng của tỉnh Đắk Lắk.
Đến nay, kết cấu hạ tầng của huyện Cư M'gar từng bước được hoàn thiện. Hệ thống công sở, trường học, trạm y tế, lưới điện được xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trong các buôn làng trên địa bàn huyện rất khó khăn. Từ nhà cửa, đến đường làng, ngõ xóm là đường đất lầy lội, việc đi lại, chở nông sản rất vất vả, nhất là học sinh đi học.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào người dân tộc thiểu số ở đây đã từng bước vươn lên, nhà cửa khang trang, đường đi lại cơ bản được cứng hóa, bê tông dọc ngang, đi lại rất dễ dàng. Nhân dân từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hộ nghèo từng bước được giảm dần…
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 108 triệu đồng. Cư M'gar đã hình thành những vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 40.000 ha. Giá trị sản xuất bình quân đạt 300 triệu/ha, với nhiều thương hiệu sản phẩm đặc trưng.
Theo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Cư M’gar được định hướng thành cực quan trọng của Tiểu vùng trung tâm - động lực trong phát triển của tỉnh Đắk Lắk. Huyện phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm tới bình quân trên 6,5%/ năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng người năm 2030.
Đại diện UBND huyện Cư M’gar cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ hiệu quả và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.