Cuối tháng 2/1945, quân đồng minh Mỹ - Anh - Pháp bắt đầu vượt sông Rhine. Ở phía Nam, quân Anh - Canada và một số đơn vị Mỹ tiến vào vùng Ruhr và chuẩn bị lao đến sông Elbe ở trung tâm nước Đức. Song, Tướng Mỹ Dwight Eisenhower, Tổng chỉ huy các lực lượng Đồng minh lại cho tạm ngừng tiến về phía Berlin.
Tướng Mỹ Dwight Eisenhower năm 1945. Ảnh: Real Clear Politics |
Sau này, một số chính giới phương Tây cho rằng Eisenhower “nhường” Berlin cho Hồng quân là để đền đáp cho những hy sinh vô bờ của quân dân Liên Xô, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất về người trong Thế chiến thứ hai.
Trên thực tế, Eisenhower và Bộ tham mưu của mình đã bị phân tâm bởi một thông tin mà tình báo Mỹ thu lượm được từ tháng 3/1945: Đức Quốc xã đang xây dựng những pháo đài kiên cố tại vùng núi Alps, để trong tình huống xấu nhất, Hitler sẽ rút về đó tiếp tục chỉ huy cuộc phòng thủ và giải phóng nước Đức khỏi các lực lượng chiếm đóng.
Đầu đuôi câu chuyện như sau. Đầu tháng 9/1944, công binh Đức qua xem xét địa hình vùng núi Alps đã kết luận rằng một số công trình được xây dựng từ Thế chiến thứ nhất có thể sửa chữa lại để các đơn vị Đức đóng ở Ý rút về trú chân trong trường hợp cần thiết.
Trên cơ sở báo cáo của công binh, viên tướng Đức Hoffer đệ trình lên Hitler một dự án xây dựng tại vùng núi Alps hệ thống phòng ngự cho các đơn vị Đức sẽ đóng tại đây.
Do tình hình cấp bách lúc bấy giờ, Hitler hầu như chẳng lưu tâm đến đề xuất của cấp dưới. Vả chăng, nguồn lực của nước Đức đã sắp cạn kiệt, vật tư, xăng dầu đều thiếu, sao có thể tính đến chuyên xây dựng “pháo đài phòng thủ” ở Alps.
Đúng lúc ấy, câu chuyện đến tai Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Goebbels. Ngay lập tức, trùm phát xít này cho thành lập một bộ phận tập trung tuyên truyền về “pháo đài Alps”. Các sự kiện, con số ma được tạo nên như thật. Đồng thời, các điệp viên Đức tìm cách để lọt vào tay các cơ quan tình báo Đồng minh những tài liệu kỹ thuật, các sơ đồ xây dựng, các số liệu “tuyệt mật”.
Bộ trưởng Tuyên truyền Đức quốc xã Goebbels. Ảnh: DW |
Người Đức cũng công khai kế hoạch chuyển một loạt cơ quan, văn phòng về khu vực Alps. Khi được báo chí hỏi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết sẽ có hàng triệu binh lính nước này tiến hành cuộc chiến tranh du kích ở đây. Hàng nghìn tù binh được đưa về Alps để in tiền giả của Mỹ, Anh. Các tù nhân sau đó bị bí mật thủ tiêu; máy móc, phương tiện in thì quẳng xuống hồ.
Ngày 25/3/1945, Eisenhower nhận được những tin nóng: Người Đức sử dụng hàng chục đoàn tàu hỏa chở đến khu vực núi Alps những kho quân nhu, vũ khí cho hàng trăm nghìn người. Nhiều nhà máy, công trình ngầm dưới đất đang bước vào công đoạn hoàn tất.
Ngày 28/3, Eisenhower gửi điện cho nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin thông báo, quân Đồng minh mở cuộc tiến công về phía nam, tiêu diệt hệ thống pháo đài Alps chứ chưa tiến công Berlin như dự kiến. I. V. Stalin cổ súy cho quyết định của viên tướng Mỹ bằng cách thừa nhận rằng “Berlin đã mất ý nghĩa chiến lược. Chính vì thế trong chiến dịch đánh chiếm Berlin sắp tới, chúng tôi chỉ sử dụng những “đơn vị loại hai”… Thực ra, Liên Xô đã chuẩn bị và sau này sử dụng những đơn vị tinh nhuệ nhất để đánh chiếm Berlin.
Ngày 31/3, Eisenhower gửi điện thông báo cho cho tướng Montgomery “kế hoạch Alps”, nói rõ thêm rằng: “Berlin đối với tôi chỉ là một khái niệm địa lý”.
Trái với tình báo Mỹ, tình báo Anh cho rằng câu chuyện “pháo đài Alps” chỉ là chuyện bịp bợm bởi nước Đức không thể nào còn sức để xây dựng những công trình quy mô "khủng" như vậy, nhất là trong điều kiện không quân Đồng minh đã làm chủ không phận. Montgomery ngay lập tức báo cáo lên Thủ tướng Churchill rằng Eisenhower đang phạm “một sai lầm kinh khủng”.
Vài ngày sau, người phát ngôn chính thức của chính phủ Đức Quốc xã là Deatmar chạy trốn khỏi Berlin, đến đầu hàng quân Mỹ. Ông này khẳng định câu chuyện pháo đài Alps chỉ là tưởng tượng. Thế nhưng, lời cung khai này không thể làm thay đổi kế hoạch đã được quyết định.
Đầu tháng 4/1945, tướng Eisenhower ra lệnh cho quân đoàn số 10 tiến về vùng Alps. Nhưng các đơn vị Mỹ không thấy dấu vết gì về “pháo đài phòng thủ” cả. Họ chỉ giải thoát được cho các con tin Pháp bị giam giữ ở lâu đài cổ Ite gồm hai cựu thủ tướng Rayneud và Daladier, Tổng tham mưu trưởng Gamalain và nhiều nhân vật khác. Cũng tại đây, trong hầm ngầm của lâu đài, người ta phát hiện rcả một kho báu nghệ thuật gồm các tác phẩm điêu khắc, hội họa, đồ cổ … trị giá khoảng 4 tỷ USD bị quân Đức chiếm đoạt từ các nước chúng chiếm đóng. Số quân ít ỏi và rệu rã tinh thần của Đức đóng tại đây đầu hàng không điều kiện.
Điều mà tướng Eisenhower tin một cách chắc chắn, cho đến nay vẫn không ai hiểu nổi. Bởi các cơ quan tình báo Mỹ thường rất chuẩn xác trong công tác nghiệp vụ, lúc bấy giờ lại do một quan chức tài năng là Alen Dullus đứng đầu.
Cả về sau này, Eisenhower chưa bao giờ đưa ra câu trả lời về quyết định của mình. Những lý do khiến vị tướng tầm cỡ về sau trở thành Tổng thống thứ 34 nước Mỹ hành động sai lầm cũng bị chôn vùi cùng ông dưới mộ tại thành phố Abilene, bang Kansas.
Nguyên Phong
Bí mật về những vụ 'đi đêm' của Anh, Mỹ với phát xít Đức
Xuất phát từ lập trường chống Liên Xô, Anh và Mỹ từng nhiều lần tìm kiếm hòa ước riêng rẽ với nước Đức phát xít.
Hé lộ hai lần Stalin 'tha' cho trùm phát xít Hitler
Kế hoạch ám sát Hitler đầu tiên đã được tình báo Liên Xô chuẩn bị trong năm 1941, khi trùm phát xít dự kiến đến Moscow ăn mừng quân Đức chiếm được thành phố này.