Tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên, anh Hoàng Anh Tuấn (36 tuổi) hiện là Bí thư đoàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài các hoạt động đoàn thể, anh còn là gương thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Anh Hoàng Anh Tuấn - Bí thư đoàn xã Xuân Du (Ảnh: Thanh Tùng).

Anh Tuấn cho biết, sinh ra trong gia đình nông dân chính hiệu, từ nhỏ đã quen với việc đồng áng, năm 2010, nhận thấy ở địa phương có nhiều diện tích đất cằn cỗi thích hợp với giống đào phai, anh mạnh dạn thầu lại 1.000m2 để trồng đào.

Việc trồng đào thuận lợi, anh lại trồng thêm rau má, tía tô. Chỉ sau 4 năm anh đã sở hữu một trang trại rộng 2ha, cho thu nhập 300-400 triệu đồng/năm.

Đến năm 2021, anh Tuấn thay đổi hướng đi, trong số 2ha đất trang trại, anh dành 7.000m2 để dựng giàn, đưa những giống nho nhập ngoại về trồng. Thời điểm đó, khi thấy anh Tuấn "xén" vườn cây đang hiệu quả, chuyển sang trồng nho, ai cũng lắc đầu ngao ngán, họ bảo anh "bị khùng". Người nhà anh cũng ra sức can ngăn.

"Tôi luôn thích làm những việc khó. Những việc người ta nghĩ không thể, tôi càng thích làm. Ở nơi bán sơn địa như quê tôi, xưa nay bà con chỉ thấy nho trên tivi, sách báo chứ chưa bao giờ thấy những quả nho mọc trên vùng đất mình đang sinh sống", anh Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về hành trình đến với cây nho ngoại.

Toàn cảnh khu trang trại của bí thư đoàn xã (Ảnh: Thanh Tùng).

Anh Tuấn kể, bén duyên với cây nho xuất phát từ một lần đi tham quan ở Bình Thuận. Thấy cây nho thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương, lợi nhuận cao nên anh quyết định chinh phục bằng được.

Mặc sự can ngăn của mọi người, anh đánh liều, huy động vốn từ người thân, vay thêm ngân hàng được gần 800 triệu đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhận chuyển giao công nghệ từ nhà phân phối giống.

Hệ thống nhà giàn được anh Tuấn đầu tư để trồng nho (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Tuấn, giống nho mà anh đang trồng là nho Kyoho Nhật Bản và nho sữa Hàn Quốc. Trong lần đầu thử nghiệm, anh mua 1.500 gốc nho với giá 250.000 đồng/gốc về trồng.

Sau hơn một năm, hiện diện tích trồng nho tại trang trại đã cho kết quả ngoài mong đợi. Toàn bộ 1.500 gốc nho cho ra lứa quả đầu tiên. Nhìn vườn nho mà mình vất vả, dày công chăm sóc đang cho quả ngọt, chàng bí thư đoàn vui mừng, người thân và bạn bè cũng ngả mũ thán phục.

Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, lứa nho đầu tiên mà anh Tuấn thử nghiệm đã ra quả (Ảnh: Thanh Tùng).

"Khi trồng, mọi người chẳng ai nghĩ rằng những cây nho này sẽ ra trái. Tôi thì quyết tâm biến điều không thể đó thành có thể. Nói thật, những ngày đầu đến với cây nho tôi cũng lo lắm, bao nhiêu vốn liếng, tiền của đổ dồn vào vựa nho, nếu thất bại thì coi như mất hết", anh Tuấn tâm sự.

Anh Tuấn chia sẻ, chỉ còn hơn một tháng nữa, vựa nho của anh sẽ đến kỳ thu hoạch. Hai giống nho Kyoho Nhật Bản và nho sữa Hàn Quốc mà anh đang trồng là loại cao cấp trên thị trường, cho chất lượng quả cao, mỗi năm có thể thu hoạch 2 vụ.

Đường ống tưới nho tự động (Ảnh: Thanh Tùng).

Theo anh Tuấn, trong lứa đầu tiên, trung bình mỗi gốc nho sẽ cho khoảng 2-3kg quả, giá bán trên thị trường hiện dao động từ 300.000-400.000 đồng/kg. Từ lứa thứ hai, năng suất quả sẽ cao hơn, dao động từ 5-6kg quả/gốc.

Cũng theo anh Tuấn, việc chăm sóc loại nho này hết sức phức tạp, ngoài xây dựng hệ thống nhà giàn, tưới tự động, người trồng phải thường xuyên cắt tỉa cành, ngắt lá, tỉa bỏ những quả bị chèn ép theo đúng chu kỳ sinh trưởng của cây nho. Đây là khâu quan trọng quyết định chất lượng quả nho sau này. 

"Nho Kyoho Nhật Bản và nho sữa Hàn Quốc là sản phẩm cao cấp, ở Thanh Hóa chưa nơi nào trồng được. Nhờ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, bao tiêu sản phẩm đầu ra, bảo hành từ đơn vị phân phối giống, toàn bộ số nho của tôi đạt tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối. Vụ nho đầu tiên này ước tính vườn cho cho khoảng 2 tấn quả, trừ chi phí cũng thu về vài trăm triệu đồng", anh Tuấn nói.

Dự định về tương lai, anh Tuấn cho biết sẽ mở rộng mô hình trồng nho với nhiều giống nho khác nhau (Ảnh: Thanh Tùng).

Không chỉ là điển hình làm kinh tế giỏi, anh Tuấn cũng giúp tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động ở trang trại của mình, chủ yếu là lao động thời vụ.

Bật mí về dự định tương lai, anh Tuấn cho biết sẽ mở rộng diện tích trồng nho tại trang trại, đồng thời nghiên cứu đưa thêm nhiều giống nho mới về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Trương Văn Cảnh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Du cho biết, đây là lần đầu tiên tại địa phương có mô hình trồng nho. Không chỉ vậy, mô hình đang cho thấy được những hiệu quả bước đầu ngoài mong đợi.

"Vườn nho của anh Tuấn là mô hình mới mẻ ở địa phương, Qua mô hình này, chúng tôi cũng đã nắm được những hiệu quả mà cây nho mang lại để có hướng phát triển cho địa phương trong thời gian tới. Trước mắt, anh Tuấn đang có ý định sẽ mở rộng hết toàn bộ 2ha trang trại để trồng nho. Hy vọng anh Tuấn sẽ thành công hơn nữa với dự định này", ông Cảnh cho biết thêm, không chỉ làm kinh tế giỏi, những năm qua, anh Tuấn còn là một Bí thư Đoàn gương mẫu, nhiệt huyết và được mọi người yêu quý.

Năm 2020, anh Tuấn đạt giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa" lần thứ VII với mô hình trồng cây hoa đào. Năm 2021, anh là một trong 57 thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Đình Của lần thứ XVI.

Theo Dân trí