Tín hiệu từ nước Nga
Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố nước Nga sẵn sàng tham gia các thỏa thuận trong khuôn khổ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh ngoài OPEC (OPEC+) cũng như sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Theo đó, tại một cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak, ông Vladimir Putin cho biết Nga đã chuẩn bị cho việc thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu thùng/ngày.
OPEC dự kiến sẽ họp trực tuyến vào 6/4 để thảo luận về việc cắt giảm sản lượng nhằm ổn định thị trường dầu.
Đây là một tín hiệu tích cực sau khi hôm 6/3 Nga đã từ chối lời kêu gọi của OPEC về cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí (cắt 1,5 triệu thùng/ngày) khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung giữa OPEC và Nga kéo dài 3 năm kết thúc vào cuối tháng 3/2020 và nhu cầu dầu thế giới tụt giảm giữa đại dịch Covid-19.
Những nỗ lực của tổng thống Mỹ Donald Trump với những cú điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman trong tuần vừa qua dường như đã có kết quả.
Bộ Trưởng năng lượng Saudi Arabia hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud và Bộ Trưởng năng lượng Nga Alexander Novak trong một cuộc họp OPEC và các nước đồng minh ngoài OPEC tại Vienna, Áo hồi tháng 12/2019. (Ảnh CNBC) |
Trên Twitter, ông Trump kỳ vọng vào “sự cắt giảm khoảng 10 triệu thùng, và có thể hơn thế nữa”. Thậm chí, trong một tweet sau đó, ông Trump còn đặt cược các nước sẽ cắt giảm tới 15 triệu thùng/ngày.
Giá dầu WTI đã tăng vọt 25% trong ngày thứ Năm (ghi nhận phiên tăng mạnh chưa từng có) lên 25,32 USD/thùng và rồi tăng tiếp 12% trong ngày thứ Sáu để kết thúc tuần với mức tăng tổng cộng 32%, chấm dứt 5 tuần giá dầu giảm liên tiếp.
Con số cắt giảm 10 triệu thùng/ngày đến từ cả phía ông Donald Trump và chính quyền Kremlin mở ra cơ hội để giá dầu tăng trở lại từ đáy 18 năm. Một cuộc chiến giá dầu khí sẽ chất dứt, cả ông Donald Trump và ông Putin có lẽ sẽ hài lòng với mức giá dầu cao hơn hiện tại khoảng 10-15 USD/thùng. Giá dầu trước đó đã tụt giảm liên tục và có lúc xuống tới 19,9 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Biến động giá dầu thô kể từ 1987. |
Trước đó, sau khi Nga từ chối hợp tác với OPEC, Saudi Arabia ngay lập tức đã trả đũa bằng việc hạ mạnh giá dầu và tăng sản lượng lên mức kỷ lục 12 triệu thùng/ngày sau khi thỏa thuận 3 năm kết thúc.
Thay đổi vào giờ chót, căng thẳng vẫn còn
Theo CNBC, cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh dự kiến vào thứ Hai ngày 6/4 đã bất ngờ bị hoãn lại trong bối cảnh căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga lên cao. Dự kiến cuộc họp “có thể” sẽ được dời sang ngày thứ Năm (9/4).
Cuộc họp vào thứ Hai ngày 6/4 đã được lên kế hoạch sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 3/4 cho biết ông kỳ vọng Tổng thống Nga Vladimar Putin và Thái tử Saudi Mohammed bin Salman sẽ công bố một thỏa thuận với mức cắt giảm lên tới 15 triệu thùng/ngày.
Những là OPEC và các nước đồng minh điều chỉnh sản lượng để cân bằng thị trường dầu khí. |
Theo đánh giá của giới quan sát, thị trường dường như đã quá lạc quan, giá dầu trong phiên thứ Năm và thứ Sáu vừa qua đã tăng thêm 37%). Với diễn biến mới nhất với cú ăn miếng trả miếng giữa Nga và Saudi, dường như các ông lớn chưa thống nhất được điều gì. Giá dầu có thể giảm trở lại.
Bất chấp cú tăng vọt cuối tuần, giá dầu WTI hiện vẫn thấp hơn so với các đáy ghi nhận hồi năm 2016, năm 2009 và gần cả năm 2002 và 2003. Hơn thế, nhu cầu đối với dầu ở mức rất thấp do đại dịch Covid-19 khiến gần như toàn bộ nền kinh tế các nước trên thế giới ngưng trệ.
Thông tin Nga và OPEC chưa thể ngồi vào bàn họp có thể sẽ khiến chính quyền ông Donald Trump đứng ngồi không yên. Theo CNBC, nước Mỹ hiện đang chứng kiến các nhà khai thác dầu bơm lên một lượng dầu thấp kỷ lục khi mà thế giới đang tiến tới giới hạn, hết khả năng lưu trữ dầu.
Trong ngày thứ Sáu cuối tuần, các CEO dầu khí đã có cuộc gặp với tổng thống Trump tại Nhà Trắng và có thông tin cho rằng ông Trump đã yêu cầu các nhà lãnh đạo này hợp tác cắt giảm sản lượng khai thác.
Donald Trump lạc quan với thị trường dầu mở sau khi điện đàm với tổng thống Nga Putin và thái tử Saudi Arabia. |
Còn đối với ông Putin, việc giá dầu giảm có lẽ cũng là một điều tồi tệ. Nó gợi nhớ tới những ám ảnh lịch sử khi mà giá dầu tụt xuống mức thấp trong năm 2015-2016 khiến Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng và đồng rubble sụt giảm.
Giá dầu thô đã có một đợt giảm sâu hơn hồi cuối 2015 và đầu 2016 khi xuống dưới 27 USD/thùng. Nước Nga đã tưởng chừng không vượt qua nổi khó khăn tài chính trong cuộc đại chiến dầu mỏ khi đó.
Trong một bình luận gần đây, ông Putin đổ lỗi sự sụt giảm của giá dầu là vì Saudi Arabia đã hút dầu ở mức cao hơn so với thỏa thuận kéo dài suốt 3 năm trước đó và đã giảm giá mạnh. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với cú knock-out của đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Faisal bin Farhan sau đó đã cho rằng lời nói của ông Putin là “không có thật”. Bộ trưởng năng lượng Saudi hoàng tử Abdulaziz bin Salman cũng đưa ra tuyên bố hôm thứ Bảy cho rằng, lời bình luận của Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak là “hoàn toàn sai và trái với sự thật”.
Trên thực tế, nước Nga của ông Putin cũng như các nước OPEC khác, trong đó có Saudi Arabia, luôn mong muốn giá dầu cao và cao hơn nữa. OPEC và Nga đã từng phớt lờ lời thỉnh cầu của thế giới khi dầu lên mức 130-140 USD/thùng hồi 2008.
Việc tiếp tục cắt giảm sâu thêm nữa sản lượng khi nguồn thu ngân sách tụt giảm là điều mà Nga cũng không hề mong muốn. Trong khi đó, Saudi Arabia có thế mạnh chi phí sản xuất dầu rất thấp và có thể mạnh trong các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, cả Nga và Saudi có lẽ cũng không thích thú với sự vươn lên mạnh mẽ của Mỹ trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Dù vậy, thế giới đang ở một tình huống rất khó khăn. Các nước đều chật vật, thiếu tiền chống lại đại dịch Covid-19. Đây là thời điểm để các ông lớn dầu khí ngồi lại với nhau, ít nhất là trong ngắn hạn.
M. Hà