DN nhỏ đứng ngoài cuộc
Phát biểu tại hội thảo “Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Ron Ashkin, Giám đốc Dự án liên kết USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ), cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho biết, mức độ nội địa hóa thấp và ít tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị toàn cầu, đang cản trở lợi ích từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với nền kinh tế.
Theo ông Ron Ashkin, hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (trên 30%) và Malaysia (46%). Tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam còn thấp, vì vậy phần lớn các DN FDI vẫn phải nhập khẩu đầu vào ở mức trên 50%.
Còn kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2018 cho thấy, chỉ có 15% DN tư nhân bán hàng hóa, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam.
80% linh kiện nguyên liệu chúng ta vẫn phải nhập khẩu (ảnh minh họa) |
Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghiệp có giá trị cao như điện thoại di động, máy tính bảng. Từ lâu, chúng ta đã trở thành cường quốc về dệt may và da giày. Tuy nhiên, các DN Việt vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI.
Ngành công nghiệp điện tử đến nay mới chỉ có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 20%, còn lại 80% linh kiện nguyên liệu phải nhập khẩu. Ngành dệt may và da giày, tỷ lệ nội địa hóa cũng dưới mức trung bình. Hiện 67% giá trị sản phẩm dệt may và 47% giá trị sản phẩm giày dép đến từ nhập khẩu đầu vào.
Với ngành công nghiệp ô tô - xe máy cũng tương tự. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất xe máy quy mô lớn với hơn 3 triệu chiếc/năm. Trong đó, hơn 80% linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, nhưng phần lớn là do DN FDI thực hiện, DN trong nước tham gia chỗi cung ứng không nhiều. Chẳng hạn như Công ty Honda hiện có gần 150 nhà cung cấp linh kiện trong nước, nhưng chỉ 30 DN Việt Nam, số còn lại là DN FDI.
Với ô tô đến nay còn khó khăn hơn, khi tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chưa tới 20%, hơn 80% linh kiện vẫn phải nhập khẩu. Các nhà cung cấp là DN Việt Nam cũng rất ít. Toyota Việt Nam có khoảng 30 nhà cung cấp trong nước, nhưng số DN Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ba “nền kinh tế” trong một
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp khó khăn khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các DN không đáp ứng được giá hay đơn hàng theo yêu cầu, do chi phí đầu vào cao và thiếu các công đoạn gia công có chất lượng.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, các DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Gần 60% DN FDI cho biết khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa để có thể hưởng ưu đãi thương mại do gặp những vấn đề về chất lượng và năng lực của nhà cung cấp trong nước.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của DN FDI (ảnh minh họa) |
Theo VCCI, sự sụt giảm khá mạnh mẽ của DN quy mô vừa và lớn trong vòng 5 năm qua đang đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%. Trong số này, điều đáng quan tâm là DN siêu nhỏ, những DN có dưới 10 lao động, chiếm đa số (tới gần 67%).
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, cho rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì phải dựa vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, với quy vốn mô bình quân 10 tỷ đồng, số lao động 10 người như hiện nay thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể làm được.
Trong ngành ô tô, để sản xuất bộ phanh, DN cũng phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng, số vốn quá lớn, rất ít DN đáp ứng được. Muốn sản xuất linh kiện ô tô cung cấp cho các DN lắp ráp, hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì phải có máy móc hiện đại, công nghệ cao ngay từ đầu. Nếu vay vốn không ưu đãi, phải chịu mức lãi suất trung dài hạn trên 11%/năm như hiện nay, chẳng DN nào dám làm, ông Huyên nói.
Ngoài ra, rào cản lớn nhất chính là tư duy của DN. Công ty Cơ khí Mạnh Quang hợp tác với doanh nghiệp FDI lớn cho biết, để cung cấp được sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn của họ nên thời gian đầu gặp rất nhiều áp lực từ quá trình kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt từ phía đối tác. Nhưng các công ty của Việt Nam đa phần thiếu sự chuyên nghiệp và làm theo cảm tính, thói quen. Vì thế, phải thay đổi, thích ứng, để đạt được yêu cầu thì mới có cơ hội hợp tác.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư rất ít cho khoa học công nghệ khiến cho năng suất lao động thấp và năng lực thực hành yếu. Điều này cản trở việc DN có đủ điều kiện để tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.
Chính vì vây, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của DN FDI thông qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất. Do đó mà đến nay Việt Nam vẫn tồn tại “3 nền kinh tế” trong một. Đó là “nền kinh tế” của DN FDI, “nền kinh tế” của DN tư nhân và “nền kinh tế” của DN Nhà nước. Cả 3 không tạo ra sự liên kết chặt chẽ để mang lại hiệu quả.
Trần Thủy