Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cảnh báo nguy cơ nợ công vượt trần nếu tăng trưởng GDP suy giảm. Trong khi đó, các chuyên gia đã chỉ ra rằng việc Anh rời EU có thể là “cú đẩy” khiến nợ công của Việt Nam gia tăng thời gian tới.

Nhận định về ảnh hưởng của việc Anh rời EU (Brexit) tới Việt Nam trong buổi tọa đàm cùng tên do Đại học Kinh tế Quốc dân, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức ngày 14/7, các chuyên gia cho rằng nợ công sẽ là một trong số ít yếu tố bị tác động rõ rệt nhất của việc Anh rời EU.

TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, cho rằng, sự yếu đi tương đối của đồng Bảng so với đồng USD, Euro, Yên sẽ tạo sức ép mạnh lên VND và do đó làm gánh nặng trả nợ của Việt Nam tăng lên. Các khoản nợ đến hạn phải trả đặc biệt liên quan đến USD và Yên làm tăng chi phí nợ đáng kể trong năm 2016.

{keywords}

Sự yếu đi tương đối của đồng Bảng so với đồng USD, Euro, Yên sẽ tạo sức ép mạnh lên VND và do đó làm gánh nặng trả nợ của Việt Nam tăng lên.

Theo dõi diễn biến tỷ giá giao ngay giữa đồng Bảng và đồng Yên so với USD, TS Đặng Ngọc Đức thấy rằng, tính từ ngày 23/6 đến hết ngày 11/7, đồng Bảng đã giảm giá từ 1,4877 USD xuống còn 1,2968 USD, tương đương 12,8%.

“Các khoản vay của Chính phủ hay của DN do chính phủ bảo lãnh cần phải tính toán phần bù rủi ro tỷ giá có thể phát sinh trong năm. Riêng đối với DN, khi các nghiệp vụ phái sinh trên thị trường ngoại hối chưa được coi là công cụ phòng ngừa rủi ro được tin dùng, rủi ro của trả nợ nước ngoài là hiện hữu”, TS Đặng Ngọc Đức đánh giá.

Trong một nghiên cứu vừa hoàn thành, Trung tâm nghiên cứu BIDV khẳng định: Sự kiện Brexit có thể tác động tới thị trường ngoại hối Việt Nam, trong đó đồng Euro và đồng Bảng giảm giá trong khi đồng USD và Yên tăng giá.

“Về lý thuyết, tỷ giá tăng cũng sẽ ảnh hưởng làm tăng nợ công, do trả nợ bằng ngoại tệ còn hạch toán ngân sách bằng nội tệ và ngược lại”, Trung tâm nghiên cứu BIDV nhìn nhận.

Trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, tỷ lệ nợ nước ngoài mặc dù đã giảm từ 59,7% GDP năm 2010 xuống còn 45,5% GDP vào năm 2015, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong đó nợ công được tính bằng USD, Yên chiếm tỷ trọng cao, khoảng 60% tổng nợ nước ngoài.

{keywords}

Nợ công năm 2014 chiếm 58% GDP (ảnh alotrip).

Khi USD, Yên lên giá, để định giá sát hơn với giá trị thực đồng tiền, Việt Nam phải thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá. Do đó nợ nước ngoài bằng đồng USD, Yên Nhật của Việt Nam sẽ gia tăng.

Một nghiên cứu đã từng chỉ ra tỷ giá USD/VND tăng 1% thì gánh nặng nợ công tăng thêm 10 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, đến cuối năm 2015 ước tính tỷ trọng các khoản vay nợ nước ngoài bằng đồng Euro chỉ chiếm khoảng 7,8% tổng dư nợ nước ngoài của Chính phủ. Do đó tác động tích cực của việc Euro giảm giá đến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam chỉ ở mức khiêm tốn.

“Tính chung lại, tác động của Brexit có thể làm tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam”, Trung tâm nghiên cứu BIDV nhận định.

Một báo cáo của Bộ KH-ĐT mới đây cũng lưu ý tác động của “Brexit” đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam do giá các đồng ngoại tệ mạnh (Yên, USD...) tăng, nhằm kịp thời đề xuất các phương án ứng phó.

Trong bản tin nợ công số 4 vừa được công bố, Bộ Tài chính cho hay, nợ công năm 2014 chiếm 58% GDP.

Nợ của Chính phủ tính đến năm 2014 ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD).

Ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư, đặc biệt là các công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ,... từ đó khiến quy mô nợ công tăng lên.

“Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình”, ông Võ Hữu Hiển nói.

Lương Bằng