Cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài 2 năm đã khiến nhiều thị trường chao đảo. Nhưng theo Bloomberg, ít thị trường nào biến động mạnh như dầu thô, từ sự sụp đổ hoàn toàn trong năm 2020 đến tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng ở thời điểm hiện tại.
"Chỉ 18 tháng trước, ngành năng lượng đã bước vào ngày tận thế. Còn giờ, ngành công nghiệp có được khoản lời khổng lồ", ông Travis Stice - Giám đốc điều hành của công ty sản xuất đá phiến Diamondback Energy - bình luận.
Giá dầu tăng cao có tác động lớn đến kinh tế toàn cầu, thúc đẩy lạm phát và gia tăng sức ảnh hưởng của những quốc gia như Nga và Saudi Arabia. Điều này cũng cản trở quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Giá dầu thô West Texas Intermediate từng giảm xuống mức âm cách đây gần 2 năm. Ảnh: Reuters. |
Biến động mạnh
Vào ngày 20/4/2020, ngay cả những nhà giao dịch lâu năm cũng không thể tin vào mắt mình. Giá dầu thô West Texas Intermediate giảm xuống âm 40 USD/thùng. Các lệnh hạn chế di chuyển nhằm chống dịch khiến ở nhiều nơi, dầu được coi như "phế phẩm". Người ta phải trả tiền để cất giữ hoặc vận chuyển dầu.
Đó là lần sụt giảm mạnh chưa từng có của ngành công nghiệp dầu. Hàng chục nghìn công nhân dầu mỏ bị mất việc làm. Ngay cả gã khổng lồ Exxon Mobil cũng buộc phải cắt giảm sâu các kế hoạch đầu tư đầy tham vọng.
Giám đốc điều hành BP Plc Bernard Looney thừa nhận rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể không bao giờ trở lại mức trước đại dịch.
Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Shell tuyên bố sẽ bắt đầu giảm sản lượng dầu thô. Vào đầu năm 2021, cả ba công ty khai thác dầu mỏ lớn của châu Âu cam kết đẩy mạnh chuyển hướng sang năng lượng sạch và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
“Các công ty đang tập trung nhiều hơn vào những hệ thống năng lượng của tương lai, thay vì hệ thống năng lượng truyền thống của dầu và khí đốt", Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden tuyên bố. Điều này khiến đầu tư vào dầu mỏ lao dốc nghiêm trọng.
Các giàn khoan dầu dừng hoạt động, công nhân bị sa thải. Chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng, sản lượng dầu của Mỹ giảm từ mức kỷ lục 13,1 triệu thùng/ngày xuống còn 10,5 triệu thùng và duy trì quanh ngưỡng này trong gần một năm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dược phẩm đã đặt nền móng cho sự trở lại của thị trường dầu. Hai loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả cao được ra mắt vào tháng 11/2020. Ngay sau đó là nhiều loại vaccine khác.
Các nhà giao dịch bắt đầu đưa ra những dự báo lạc quan hơn về nhu cầu. "Chúng tôi từng nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhu cầu được khôi phục", ông Torbjorn Tornqvist - CEO tại Gunvor Group - bình luận.
"Nhưng nhu cầu đã đảo chiều một cách nhanh chóng và mạnh mẽ", ông mô tả.
Mất cân bằng cung - cầu
Tiêu thụ dầu toàn cầu chạm đáy ở mức khoảng 70% so với trước đại dịch trong thời điểm được gọi là “Tháng Tư Đen” năm 2020. Đến quý III năm đó, một số quốc gia bắt đầu trở lại hoạt động bình thường, con số là 90%.
Nhu cầu dầu vẫn ở trên ngưỡng này ngay cả khi làn sóng Covid-19 thứ hai càn quét thế giới vào đầu năm 2021. Người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà và tích cực mua hàng trực tuyến hơn. Điều này dẫn đến nhu cầu về hóa dầu để sản xuất nhựa, dầu diesel cho xe tải giao hàng tăng cao.
Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu tiến sát ngưỡng 100 USD/thùng. Bloomberg nhận định giá dầu tăng cao sẽ giáng đòn kép vào nền kinh tế thế giới bằng cách thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.
Giá dầu thô hiện cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần thúc đẩy giá cả nói chung leo thang. Nguyên nhân là nhu cầu di chuyển phục hồi sau khi các nước trên thế giới chấm dứt lệnh phong tỏa, nguồn cung bị thắt chặt và xung đột Nga-Ukraine.
Hôm 10/2, OPEC cho biết đà phục hồi của tiêu thụ dầu có thể vượt dự báo nhờ vào hoạt động kinh tế và di chuyển được cải thiện.
Nhu cầu di chuyển được khôi phục giúp thúc đẩy giá dầu. Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, xung đột giữa Nga và Ukraine không chỉ có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô, mà còn châm ngòi cho các lệnh trừng phạt trả đũa của Mỹ.
Theo Bloomberg, nhu cầu tăng cao đang thách thức những thiếu hụt về nguồn cung. Chi tiêu vốn vào năm 2022 từ các công ty thăm dò và sản xuất Bắc Mỹ khoảng 45,4 tỷ USD, tăng từ mức 32,7 tỷ USD của năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 58,2 tỷ USD của năm 2019, theo Bloomberg Intelligence.
"Vào giữa năm 2021, khi việc tiêm chủng rộng rãi cho phép nhiều quốc gia trở lại cuộc sống gần như bình thường, thế giới đã nhận ra hậu quả của nhiều năm không đầu tư vào năng lượng", Bloomberg nhận định.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức tiêu thụ nhiên liệu đã trở lại khoảng 98% mức trước đại dịch, nhưng chỉ có 95% nguồn cung được phục hồi.
Chi phí dầu và khí đốt tăng cao đang góp phần làm lạm phát tăng vọt, khiến các nhà lãnh đạo trên thế giới lo ngại. Chỉ vài tháng trước, họ đã ký thỏa thuận khí hậu cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng giờ, nhiều chính trị gia đã yêu cầu OPEC+ và các nhà sản xuất khác tăng nhanh chóng tăng sản lượng dầu.
(Theo Zing)
Thanh tra 33 'ông lớn' xăng dầu, nhiều chuyện nóng được soi kỹ
Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về hoạt động kinh doanh, giấy phép, nhập khẩu, cơ sở vật chất kho bãi... từ đầu năm 2021 đến nay.