Theo các nhà chuyên môn, trạm IBS là trạm dùng để khuyếch đại sóng điện thoại, internet cho các tòa nhà cao tầng. Theo đúng quy định thì trạm IBS phải được đặt bên ngoài, độc lập với tòa nhà do nó có độ sinh nhiệt rất lớn và sóng điện từ mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc song của người dân. Chính vì vậy, việc lắp đặt trạm IBS này phải được cấp có thẩm quyền cấp phép. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, các trạm IBS này lại được “giấu ” vào trong tầng kỹ thuật của tòa nhà chung cư N05 - Trung Hòa Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội.
Khốn khổ vì phải sống cùng “bom” nổ chậm
Theo đơn kiến nghị của chị T., một cư dân sống tại khu chung cư 25T1-N05 Hoàng Đạo Thuý, đã nhiều tháng nay gia đình chị phải sống trong tình trạng sàn nhà rất nóng, gỗ sàn co lại và bong tróc. Nhiệt độ trong nhà những ngày hè vừa qua dù đã có điều hoà và quạt song nền nhà vẫn rất nóng 41 - 45 độ C.
“Nếu cứ sống trong tình trạng này rất dễ xảy ra hiện tượng cháy nổ, và phải chịu đựng sức nóng như hiện nay của nền nhà giống như chúng tôi đang được rang trên chảo lửa, ảnh hướng rất nhiều tới sức khoẻ và độc đạc của gia đình chúng tôi”, chị T. bức xúc nói.
Sau khi phát hiện sự việc trên, gia đình chị T đã nhiều lần làm đơn báo cáo với Công ty Vinashinco (đơn vị quản lý tòa nhà). Thời điểm đó, đích thân ông Hiếu – Phó Giám đốc Vinashinco xác nhận nguyên nhân nhà tôi bị nóng là do tầng kỹ thuật phía dưới có đặt 1 trạm IBS. Trạm này tỏa nhiệt và gây nóng cho các căn hộ phía trên. Mặc dù, công ty “hứa” giải quyết sự việc, tuy nhiên, đến ngày 13/9, sau nhiều tháng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết.
Trạm IBS được để trong tầng kỹ thuật của tòa nhà 25T1 - Trung Hòa, Nhân Chính |
Theo tìm hiểu của PV, căn hộ của chị T. nằm ở tầng 7, trong khi tầng lửng giữa tầng 6 và tầng 7 của toà nhà này hiện đang được dùng làm tầng kỹ thuật. Tầng kỹ thuật này khá thấp, chiều cao chỉ khoảng 2 hơn 2m2. Và trạm IBS này được “nhét” vào trong khu vực tầng hầm. Hằng ngày, trạm này hoạt động và sinh nhiệt rất lớn gây nóng lên khu vực tầng 7. Được biết, trạm IBS này do là công ty CP Đầu tư phát triển viễn thông TC ký hợp đồng thuê chỗ đặt.
Trao đổi với phóng viên về việc tại sao đã xác định được nguyên nhân sự cố, nhưng vẫn không có phương án xử lý dứt điểm, đại diện công ty Vinashinco cho biết: “Phía công ty đang yêu cầu công ty Đầu tư phát triển viễn thông TC - đơn vị thuê tầng kỹ thuật để đặt máy móc tại đây phải có biện pháp xử lý triệt để trước ngày 15/9, phòng tránh hoàn toàn việc gia tăng nhiệt trong phòng máy gây ảnh hưởng tới các căn hộ tại tầng 7 tòa 25T1 trong mọi trường hợp nói riêng và gây mất an toàn công tác phòng cháy chữa cháy tại dự án N05 nói chung.
Nếu công ty Đầu tư phát triển viễn thông TC không hoàn thành việc này trước ngày 15/9, Vinashinco sẽ tạm dừng cung cấp điện đối với phòng máy của quý công ty đang đặt tại tầng kỹ thuật của toà nhà 25T1 và không chịu bất cứ trách nhiệm nào do việc tạm dừng cắt điện gây ra”.
Vinashinco "đá bóng" trách nhiệm cho Tổng công ty Vinaconex
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi, tại sao sự việc khá nghiêm trọng vì liên quan đến an toàn cháy nổ của cả toà nhà và tái diễn nhiều lần, Vinashinco không dừng hợp đồng cho thuê, di dời sang khu vực khác?
Đại diện Vinashinco đã ngay lập tức “đá bóng trách nhiệm”. Vị đại diện này cho rằng, việc ký hợp đồng Vinashinco không quản lý mà Tổng công ty Vinaconex - chủ đầu tư dự án này mới là người quản lý. Vinashinco chỉ cung cấp dịch vụ và quản lý sau đầu tư, Vinashinco chỉ tiếp nhận và vận hành công việc sau đầu tư.
Trong khi đó, Vinaconex lại cho rằng, việc quản lý các vấn đề này là trách nhiệm của Vinashinco.
“Quả bóng trách nhiệm” được đẩy qua đẩy lại, trong khi quyền lợi của người mua nhà đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói, vấn đề mấu chốt của sự việc là phòng máy của công ty CP Đầu tư phát triển viễn thông TC cần được di dời ngay sang một vị trí khác thì quyền chấm dứt hợp đồng với công ty này lại chưa biết được thuộc về ai?.
Thêm vào đó, nếu đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì trạm IBS này phải đặt ở vị trí độc lập với tòa nhà. Nhưng không hiểu vì lý do gì nó lại được người ta “nhét” vào tầng kỹ thuật. Với cơ chế hoạt động sinh nhiệt cùng với hệ thống dây điện chằng chịt thì nguy cơ trạm IBS này phát nổ là điều không thể tránh khỏi.
Mặc dù tình trạng này đang diễn ra tại nhiều tòa nhà chung cư cao tầng khu vực Trung Hòa – Nhân Chính nhưng chưa thấy đơn vị chức năng nào lên tiếng. Liệu có phải chỉ khi nào xảy ra cháy nổ thì các cơ quan chức năng lúc đó mới vào cuộc hay không?
PV sẽ tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.
Theo VnMedia
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected] |