Bị xử phạt vì “chỉ điểm” chốt tuần tra 141 tại Hà Nội
Ngày 25/6 vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã xử lý một trường thường xuyên “chỉ điểm” những vị trí có chốt tuần tra của tổ công tác 141 trên mạng xã hội Facebook.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhóm Facebook có tên “Báo chốt 141 Hà Nội” đã thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh về vị trí các tổ công tác 141, Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ trên địa bàn thành phố, để những ai vi phạm luật như đi xe khi đã sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm hay thậm chí mang theo chất cấm trong người… biết các địa điểm này để tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt.
Quá trình xác minh, lực lượng chức năng đã làm rõ và triệu tập một thành viên trong ban quản lý của nhóm là V.N.A. (SN 1994, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) lên làm việc.
Trong thời gian hoạt động trong nhóm, V.N.A. đã đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung chỉ điểm, cung cấp thông tin, vị trí của các tổ công tác 141, Cảnh sát giao thông hoạt động trên các tuyến đường, tuyến phố cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Căn cứ điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, V.N.A. sẽ bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.
Trước đó, nhiều trường hợp thành lập các nhóm “báo chốt” cảnh sát giao thông trên Facebook tại các tỉnh thành khác tại Việt Nam cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt hành chính.
Biến tướng của hành vi “chỉ điểm” chốt 141 trên mạng xã hội
Sau trường hợp V.N.A. bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, các hình thức “báo chốt 141” trên Facebook cũng đã “biến tướng” để qua mặt cơ quan chức năng.
Thay vì thông báo địa điểm cụ thể của các chốt cảnh sát đang làm nhiệm vụ, nhiều cư dân mạng đã sử dụng nhiều hình thức khác nhau, từ làm thơ, sử dụng mật mã, hình ảnh theo dạng “đuổi hình bắt chữ” hay thậm chí cả dạng… phương trình hóa học để thông báo về vị trí có mặt lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ.
Dĩ nhiên, để hiểu được những dạng “mật mã” để “chỉ điểm” chốt 141 như thế này đòi hỏi cư dân mạng cũng phải có những kiến thức nhất định và phải “động não” để có thể hiểu được ý nghĩa của những lời gợi ý này.
Nguy hiểm khôn lường từ hành vi “báo chốt”
Nhiều cư dân mạng cho ràng hành vi “báo chốt” của cơ quan chức năng là hành động “nghĩa tình”, giúp cho những người tham gia giao thông tránh bị xử phạt bởi các hành vi vi phạm luật giao thông của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một hành động hết sức nguy hiểm. Hãy thử tưởng tượng nếu những người tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia, nhưng vì biết được vị trí lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ nên vẫn tiếp tục chạy xe trên đường, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông hết sức nguy hiểm.
Ngoài ra, việc báo vị trí của lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ trên mạng xã hội có thể giúp cho những kẻ tàng trữ và buôn bán hàng cấm, chất ma túy hoặc tàng trữ vũ khí nguy hiểm, thậm chí đối tượng đang bị truy nã… có thể tránh được cơ quan chức năng để thực hiện các hành vi phạm tội của mình.
Hơn ai hết, cư dân mạng cần phải nhận thức được những nguy hiểm tiềm tàng của hành vi “báo chốt” lực lượng cảnh sát trên mạng xã hội để từ đó không tiếp tục tái diễn hành vi này, dù bằng hình thức nào đi chăng nữa.
Hiện tại trên Facebook vẫn còn tồn tại nhiều nhóm hoạt động dưới dạng riêng tư và công khai để các thành viên có thể “báo chốt” lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có các hành vi xử lý những nhóm Facebook xem thường pháp luật này.
(Theo Dân Trí)
Dân mạng “đu trend” Facebook, đổi avatar thành mặt trắng
Avatar mặt trắng là trào lưu chỉ vừa mới xuất hiện tại Việt Nam. Ngay lập tức, trào lưu này đã nhanh chóng “làm mưa làm gió” trên các mạng xã hội.