Theo thông tin được chia sẻ, người vợ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 trước, còn người chồng bị lây từ vợ sau đó 1 tuần. Họ bình tĩnh, ở nhà tự điều trị và đều vượt qua.
“Chuyện cách đây nửa tháng, vợ mình có nhiễm Covid-19, xong mình ở nhà chăm bệnh mà ngộ đời. Vợ mình bệnh 1 tuần rồi mà mình xét nghiệm nhanh vẫn chưa nhiễm, trong khi ăn chung, ngủ chung,... Thế là hai vợ chồng mình ngày nào cũng “hóng” xem khi nào mình nhiễm, cứ sáng ngày xét nghiệm xong lại: ''Mấy vạch?''; ''1 vạch à''; ''Buồn thế, tui bệnh 1 mình hả gì?”.
Người ngoài nghe chắc tưởng đang trông có bầu không đó. Và ngày thứ 8, khi vợ mình hết hoàn toàn triệu chứng thì mình nhiễm bệnh. Mình không sốt, không đau đầu, không ho hay đau họng, nói chung là khoẻ re, nhưng cũng cách ly tại nhà rồi bắt đầu mua thuốc uống.
Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho ra kết quả dương tính với Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Sáng xông, trưa xông, tối xông, xông lia lịa muốn hết bụi sả trong nhà. Rồi bị Covid-19 hay bị ngãi heo nhập mà đói triền miên, đang nấu nước sả gừng chanh xông, tự nhiên kêu ''có nghêu bỏ vào đây hấp thì ngon nhờ''. Thế là hôm đó trong thùng rác hơn 1kg vỏ nghêu. Vừa ăn cơm xong lại thèm chè, quất liền 2 ly chè bưởi. 1 mình hai ly nha, hai đứa 4 ly, không phải cốt hoàng cung ăn 1-2 muỗng như người ta đâu.
Sáng ngày bảnh mắt ra làm liền bát phở và ly sữa tươi rồi đó. Trưa đang lướt “tik tok” thấy người ta ăn bánh canh cua ngon thế chứ lị, làm liền 2 tô đầy đủ món kèm theo, hai đứa ăn ứ hự. Chiều đến hay mưa, tôi cần 1 chút hoài niệm về những ngày được đi phố cổ Hội An du lịch, đặt liền mỳ Quảng, bánh đa cua. Nói chung bệnh này phải ăn cho nhiều mới có sức các bạn ơi, làm quần quật bao lâu rồi, bệnh thì ăn đi, giảm cân gì tính sau, còn thở còn gỡ.
Hai đứa mình cũng không tập thể dục mà thay vào đó là làm việc nhà. Dọn hết mọi góc trong nhà, trồng cây làm cỏ sau nhà, giặt quần áo bằng tay,... Nói chung cứ làm khi cảm thấy khoẻ thôi, mệt thì ngủ.
Hồi trước cũng sợ Covid lắm, vì nghĩ nó tàn phá sức khoẻ con người nhưng giờ đại dịch này, thực sự chúng ta không thể trốn tránh mà phải đối mặt, bệnh trước hay bệnh sau thôi chứ không có chuyện không dính bệnh được đâu. Mong những ai đang nhiễm hay cố gắng chiến thắng nó, đừng lên google đọc nhiều về nó nữa, ăn đúng giờ, uống thuốc đúng giờ, chăm hoạt động, xông đúng giờ là từ từ nó hết, trời ơi đau đầu lên Google nó kêu bướu não nữa nói gì trời.
Thời buổi giờ gặp nhau đừng hỏi tiêm 2 mũi chưa, hỏi nhiễm Covid-19 chưa mới theo “trend””.
Điều khiến cộng đồng mạng thích thú là cách mà hai vợ chồng này đã vượt qua dịch bệnh, nhờ lối kể chuyện hài hước và những việc làm đơn giản. Rất nhiều người đồng thuận với quan điểm ăn đủ bữa, uống thuốc đúng giờ, cùng với tinh thần lạc quan sẽ có thể chiến thắng dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cũng bày tỏ sự bất bình trước quan điểm “ai rồi cũng sẽ nhiễm Covid-19”, và trào lưu hỏi nhau “nhiễm Covid-19 chưa?”.
Facebook Nguyễn Huế bình luận: “Đấy là ông còn trẻ, ông có sức khoẻ thì chẳng sao. Giá như 1 mình mình mắc thì nghĩ cũng không sao, nhưng nhiều người còn có người thân ốm đau, con nhỏ. Nên phải giữ gìn, ý thức cho mình, cho xã hội. Con số bao nhiêu người trẻ chết vì Covid-19 còn đó, vào mỗi người sẽ phản ứng khác nhau.
Đừng vì mình vượt qua dễ dàng mà lan đi ý thức chủ quan cho mọi người. Nếu nó không phải truyền nhiễm thì nói sao cũng được, nhưng nó là truyền nhiễm nên sẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Còn đương nhiên, khi mắc rồi cứ bình tĩnh mà chữa thôi”.
Chị Nguyễn Thu Huyền bức xúc: “Hay lắm đấy mà nói như thể mình vừa đạt đến trình độ gì vậy. Vô tư là cái tốt thôi”. Anh Tuấn Kiệt bày tỏ: “Tưởng lan toả cái gì ý nghĩa lắm mà đọc 1 lượt và câu chốt thấy như kiểu khoe thành tích ý. Lạc quan cũng vừa phải thôi chứ thế nay thì ối dồi ôi lắm”…
Dịch Covid-19 với biến thể Delta vẫn đang lây lan ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, vẫn còn nhiều ca tử vong sau khi nhiễm hoặc có thể gây tổn hại sức khỏe lâu dài. Vì vậy, dù chúng ta đang ở giai đoạn bình thường mới nhưng vẫn cần ý thức của mỗi người. Hãy tuân thủ quy định 5K, để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Khánh Hòa
Tăng ca Covid-19 nặng, nhiều bệnh viện ở TP.HCM "khát" nhân lực
Bệnh viện Dã chiến điều trị Covdi-19 đa tầng Tân Bình chỉ có khoảng 10 bác sĩ mỗi tua trực ở tầng 3, chăm sóc cho gần 200 bệnh nhân nặng, hồi sức. Một số bệnh viện đã phải đề xuất tăng cường nhân lực.