Người dân trong khu phố thường gọi bà với cái tên thân mật là bà Lịch “a lô”, còn mấy đồng chí công an phường thì trịnh trọng gọi bà là “người đương thời”, bọn xấu lại gọi bà bằng biệt danh “cảnh sát trưởng”.

Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn khỏe mạnh đi thoăn thoắt, tay đeo băng đỏ, ngày hai lần sớm tối vác loa đi tới từng ngõ, từng nhà nhắc nhở mọi người giữ gìn an ninh trật tự.

{keywords}
Bà Lịch “a lô” đang làm nhiệm vụ. 

Xông pha bắt trộm là nhờ “gan dạ”

Đến tổ dân phố 14, phố Tô Hiệu (phường Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) vào thời điểm này, người ta dễ dàng nghe thấy tiếng loa với các nội dung phổ biến pháp luật, hay nhắc nhở bà con lối xóm nâng cao cảnh giác của bà Lịch “a lô”.

Hơn 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Lịch nổi tiếng cả khu phố bởi sự can đảm, kiên trì và cả những câu chuyện “dở khóc dở cười” xung quanh vấn đề trật tự trị an cho cả khu phố. Hỏi đến nhà bà Lịch thì ai cũng biết và chỉ dẫn rất nhiệt tình. Căn nhà của người phụ nữ ở tuổi 73 này khá nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp.

Bà bảo: “Tôi tuy sống một mình nhưng cái gì cũng phải gọn gàng. Đó là do thói quen từ hồi đi thanh niên xung phong”. Tác phong nhanh nhẹn, đề phòng, cảnh giác cao độ là những đức tính bà học được cũng từ những năm tháng chiến tranh đó.

Bà Lịch đã gắn bó với các công việc xã hội tại tổ dân phố 14 từ năm 1980, trong đó phần lớn thời gian là dành để tham gia công tác bảo vệ trật tự trị an của khu phố. Từ đó đến nay, đã hơn 30 năm trôi qua nhưng bà lúc nào cũng làm việc với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao.

Từ năm 2000 cho đến nay, bà Lịch được mọi người tín nhiệm cử làm Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố 14, phường Nguyễn Trãi. Không quản khó khăn, vất vả đêm hôm, bà thường xuyên cùng các thành viên trong tổ bảo vệ đi tuần tra, nắm bắt tình hình trên từng tuyến tuyến phố, có hôm một hai giờ sáng vẫn thấy bà cầm đèn pin, vác loa trên tay đi “tuần”.

Bất chấp thời tiết mưa hay nắng, chỉ cần phát hiện đối tượng lạ mặt lảng vảng vào khu tập thể, nghi vấn có biểu hiện trộm cắp là bà lại lẽo đẽo đi theo. “Chiến thuật” của bà cũng rất đa dạng: Khi bí mật bám sát đối tượng để theo dõi từng hành tung nhỏ, khi bà mang loa theo sát từng bước, vừa đi bà vừa “a lô” kêu gọi mọi người cảnh giác giữ gìn tài sản.

Có bữa, kẻ xấu bực quá, quay lại quát vào mặt bà: “Ai đã làm gì mà bà cứ loa tướng lên”. Bà không ngại mà còn độp thẳng… vào loa: “Tôi chả biết người xấu tốt thế nào, không quen, không biết, anh nhòm vào nhà người ta làm gì. Người lạ vào khu tôi thì tôi cứ loa lên để bà con cảnh giác”.

Thấy không “làm ăn” được với sự ngăn cản đặc biệt của lão bà, chúng đành tự động rút lui và tuyệt nhiên không thấy bén bảng đến khu phố lần nào nữa.

Hay ngày nọ, trong lúc đi tuần, bà phát hiện một đối tượng khả nghi. Người này đội mũ sụp lấp mặt, lảng vảng quanh một ngôi nhà đang hé cửa, vừa đi vừa dòm trước ngó sau để dò chừng. Nhận thấy điều lạ thường, ngay lập tức bà bám sát đối tượng thì thấy hắn đang loay hoay đưa chiếc xe đạp vừa ăn cắp ra ngoài.

Vừa ra khỏi ngôi nhà, tên trộm lập tức leo lên xe định tẩu thoát. Mặc dù đi một mình nhưng bà vẫn quyết đuổi theo tên trộm, vừa đuổi theo vừa tri hô trên loa. 

Tên trộm ban đầu vốn chủ quan, nghĩ bà già kêu lên vài câu là cùng nên vẫn ngang nhiên mang theo xe vòng qua hướng cánh đồng chạy thẳng. Nhưng đi được một quãng, vẫn thấy bà bám theo, tên trộm cũng bắt đầu hoang mang, hoảng sợ, đành phải “bỏ của chạy lấy người”.

Lại một lần khác, trong lúc đi tuần tra ban đêm, bà Lịch gặp mấy tên trộm. Đặc biệt, chúng đã chuẩn bị đầy đủ đồ nghề cho một phi vụ trộm cắp khối tài sản lớn của người dân. Lợi dụng sơ hở của một số hộ gia đình trong khu phố, trong lúc đêm hôm, chúng đã dùng thang nhôm trèo lên tầng 2 của gia đình bà H.

Nhưng đúng lúc đó, bọn chúng đã bị đội tuần tra đêm của bà Lịch “a lô” bắt gặp. Thấy có người, chúng tự động tẩu thoát không kịp mang theo đồ nghề. Tang chứng để lại hiện trường vẫn còn chiếc thang bằng sắt, một túi xách, giầy, găng tay, dây dù, kéo cắt khóa…

Rồi có hôm, người dân trong khu thấy bà ngồi trên chiếc xe đạp chở… 2 thanh mã tấu vừa dài, vừa sắc lên đồn công an. Hỏi ra mới biết, bà vừa gặp một toán thanh niên đến khu phố. 

Thái độ của chúng hung hăng, trên người lại mang toàn hung khí với mã tấu, đao kiếm. Nghĩ sẽ có sự chẳng lành xảy ra nếu chúng còn tiếp tục tụ tập, bà nhanh trí dùng “vũ khí” là chiếc loa “a lô” của mình.

Thấy động, bọn chúng nháy nhau bỏ đi, vội vàng tới mức quên cả vũ khí mang theo. Thu hồi tất cả, bà chất lên xe đạp và chở một mạch lên đồn công an. Bà Lịch tự hào: “Cho đến nay, nhờ sự đề cao cảnh giác và kịp thời ngăn chặn nên phường tôi chưa mất đến một cây kim, sợi chỉ. Tôi bắt được trộm cũng chỉ vì bạo, gan dạ mà thôi”.
 
Tận tâm, hết mình, không nề hà công việc


Hiện nay đến tổ dân phố 14, thấy nhà nào nhà nấy cửa khóa chắc chắn, đầy đủ. Một người hàng xóm của bà Lịch nói đùa: “Công lớn nhất thuộc về bà Lịch “a lô” đấy. Bà ấy “ép” chúng tôi phải thay khóa an toàn, không thì cứ thế đứng ở cửa không đi, hoặc cũng có lúc mang khóa khác an toàn hơn đến tận nhà”.

Buổi tối ai để xe máy ngoài ngõ, bà đều nhắc nhở cần chú ý đề phòng kẻ gian, nếu không dắt vào nhà thì phải khóa cổ, khóa càng cẩn thận. Có lần chủ nhà bận việc chưa ra, bà cứ đứng ở trước cửa gọi loa, đến tận lúc chủ nhà ra dắt xe vào thì bà mới chịu đi sang nhà khác.

Người dân thuộc tổ dân phố 14 cũng đã quen với nếp 6h sáng thứ bảy hằng tuần lại bị đánh thức bởi tiếng loa “Mời mọi người dậy quét đường, giữ gìn vệ sinh chung, mỗi người chỉ mất vài phút, mỗi nhà một người nhưng sạch đường, đẹp phố, nếp sống văn minh”.

Bà kiên nhẫn giơ loa nói đến khi nào mọi người, mọi nhà tham gia đầy đủ mới thôi. Ban đầu cũng có người khó chịu vì tiếng loa của bà, cho rằng được ngày nghỉ lại bị làm phiền, nhưng lâu dần thành quen, mọi người đều vui vẻ tự giác chấp hành.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bà Lịch cho hay: “Ban đầu, cả khu phố có gần chục cái nhà vệ sinh công cộng, nhưng bẩn thỉu do lâu ngày không có người dọn dẹp. Thấy vậy, tôi liền đi dọn cho sạch sẽ để mọi người cùng dùng. Tính tôi ưa sạch sẽ, nên chả cần ai giao tôi cũng làm. Đều là công việc của tập thể cả mà”. 

Đầu tiên nhiều người cho rằng bà Lịch “rách chuyện” vẽ vời, “hâm hấp” đi làm chuyện không đâu... nhưng bà không nản, vẫn tiếp tục hăng say với công việc của mình. Sự tận tâm và nhiệt tình của bà đã thuyết phục được nhiều người. Từ ngạc nhiên đến thán phục, dần dần họ cũng quen nếp và làm theo.

Hơn 30 năm qua, bất kể trời nắng gắt hay mưa dầm, tiếng loa của bà tổ trưởng tổ bảo vệ vẫn sang sảng vang lên đều đặn trong khu phố, nhắc nhở mọi người từ việc giữ vệ sinh chung, phòng trộm cắp cháy nổ, đến kêu các cháu tập thể dục, đôn đốc thanh thiếu niên trong việc học hành. 

Cứ tối tối, khi tiếng loa vang lên là lúc các cháu tự giác ngồi vào bàn học. Nếp sinh hoạt này thành quen để các gia đình lấy đó làm “giờ chuẩn” cho con trẻ.

Như bà cho biết, đã hơn 10 năm nay, cứ đến dịp nghỉ hè, bà lại thổi còi đi giục các cháu thiếu nhi rèn luyện thân thể vào buổi sáng, tất cả là để rèn luyện tinh thần tự giác và thói quen vận động cho các cháu.

Hết mình với công việc tập thể, cuộc sống riêng của bà Lịch lại vô cùng giản dị. Trong ngôi nhà nhỏ, hơn 30 tấm bằng khen treo khắp nhà có lẽ là tài sản đáng giá nhất, bởi chưa bao giờ bà đòi hỏi quyền lợi hay phụ cấp cho những việc mình làm. Nhiều người bảo bà “hâm”, giữa thời buổi mọi thứ đều đắt đỏ lại “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Bà cụ tuổi “thất thập” chỉ nhỏ nhẻ tâm sự: “Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ hai rồi suốt ngày rượu chè, khổ lắm. Nhờ có Đảng, có cách mạng tôi mới có ngày hôm nay. Giờ tôi đã có lương hưu, lại sống một mình nên cũng chẳng cần gì nhiều. Nên khi nào Đảng còn tin, dân còn giao việc thì tôi còn làm”.                                    
 
(Theo Gia đình & Xã hội Cuối tuần)