Bà Nguyễn Thị Huyên (86 tuổi, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi) có đôi bàn chân khá đặc biệt. Các ngón bè ra, cong về một hướng. Khi cụ bà đứng, 2 ngón chân cái chạm vào nhau.
Điểm khác thường ở bàn chân xuất hiện từ lúc bà Huyên mới ra đời. Càng về sau, các ngón chân càng cong hơn. Đến năm 18 tuổi, các ngón chân phát triển hoàn chỉnh, ngón cái dài ra, cong vào phía trong và chạm nhau mỗi khi bà đứng thẳng.
"Cứ nghĩ là bàn chân bị tật nên cong như vậy. Mọi người thường đùa bàn chân giống củ gừng", bà Huyên cho biết.
Bà Huyên nói thêm, cha mẹ cùng 7 anh, em trong gia đình có bàn chân bình thường. Lúc nhỏ nghe cha kể lại, ông cố của bà cũng có bàn chân cong.
Bàn chân phát triển dị thường mang lại nhiều phiền toái đối với bà Huyên. Bà hầu như không thể đi dép, không đi nhanh như người bình thường.
"Đi chậm không sao nhưng chạy, hoặc đi nhanh một tí là các ngón chân vướng vào nhau ngã ngay. Bây giờ bà lớn tuổi rồi nên đi lại càng phải cẩn thận vì các ngón chân rất dễ vướng", bà Huyên chia sẻ.
Theo ông Bùi Hạnh, chồng bà Huyên, từ lúc mới quen đã thấy bà hầu như không mang dép vì bàn chân cong lạ thường. Có người nói với ông bàn chân bà bị tật, cũng có người nói bàn chân cong do di truyền từ đời cha ông.
"Chỉ có bàn chân cong hơi lạ thôi, còn sức khỏe bà ấy rất tốt, làm lụng quanh năm mà ít đau ốm. Nhà ông có 5 người con, nhiều cháu lắm nhưng không ai có bàn chân như vậy", ông Hạnh nói.
Dù tuổi đã cao nhưng bà Huyên rất minh mẫn, sức khỏe tốt. Hàng ngày, ông Hạnh thu hoạch nông sản cho bà mang ra chợ bán. Do tuổi cao, bàn chân lại đặc biệt nên việc đi lại bắt đầu khó khăn.
"Lớn tuổi rồi, các con lại đi làm ăn xa nên chỉ còn hai ông bà sống cùng nhau. Chân bà như thế nên bây giờ đi lại khó khăn, ông phải nhắc dùng gậy mà tựa. Khi mang hàng ra chợ bán thì bỏ lên xe đạp rồi dắt. Xe như điểm tựa cho bà đi vững vàng hơn", ông Hạnh cho biết.
Tại Việt Nam từng ghi nhận một số người có bàn chân Giao Chỉ, tuy nhiên con số này không nhiều. Những người có bàn chân đặc biệt này hầu hết có sức khỏe tốt, sống rất thọ.
Năm 2016, báo chí ghi nhận một trường hợp có bàn chân Giao Chỉ là cụ Nguyễn Đình Phương (105 tuổi, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Theo sách "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim, nước Văn Lang thời các Vua Hùng chia làm 15 bộ, trong đó bộ Giao Chỉ thuộc vùng Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ngày nay.
Có nhiều ý kiến, luận giải về nguồn gốc tên Giao Chỉ. Trong đó có một cách giải thích khá đơn giản nhưng được nhiều người tán thành. Theo đó, chỉ là ngón chân cái. Khi đứng thẳng, đặt hai bàn chân cạnh nhau, 2 ngón chân cái cong, giao nhau nên gọi là giao chỉ.
Theo Dân Trí