Bệnh nhân là bà Đ.T.M. (87 tuổi, trú tại Phường Quảng Yên, Thị xã Quảng Yên) nhập viện trong tình trạng khó thở nhiều, tức ngực, đau nhiều vùng gối 2 bên, sưng tấy, khó chịu. 

Cụ bà này cho biết trước khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, bà đã cùng hàng xóm tiêm mật gấu vào 2 bên đầu gối chân. Ngoài biến chứng ở chân, người phụ nữ này còn bị suy tim độ 3, tăng huyết áp khiến tình trạng bệnh tăng nặng. 

BSI KIỂM TRA BN MẬT GẤU.jpeg
Bác sĩ kiểm tra tình trạng vùng gối 2 bên của bà M. Ảnh: Trung tâm y tế Thị xã Quảng Yên

Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc đã nhanh chóng cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng, điều trị tích cực, giảm đau cho người bệnh. Đến nay, bà M. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định

Bác sĩ Vũ Trọng Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc khuyến cáo, người dân không được tiêm mật gấu vào cơ thể vì bất cứ lý do gì. Trước khi sử dụng mật gấu và các phương thuốc khác, người dân cần phải tham khảo ý kiến của các y bác sĩ có chuyên môn, không nên nghe đồn thổi, truyền miệng mà sử dụng sai cách thức dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. 

Trong y học cổ truyền, mật gấu có tên là hùng đởm, vị đắng, tính hàn, có màu xanh hoặc nâu, thường chỉ dùng để xoa bóp bên ngoài trị bầm tím, làm tan máu tụ... Do đó, tuyệt đối không dùng mật gấu để tiêm hoặc uống vì rất nóng và độc. 

Khi vào cơ thể, mật gấu sẽ gây ảnh hưởng đến tế bào gan và thận, gây suy gan, suy thận. Ngoài ra, quá trình lấy mật gấu và tiêm mật gấu có thể khiến người dân bị nhiễm khuẩn, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến tàn phế, thậm chí tử vong.