Video: Cụ bà 80 tuổi tình nguyện may chăn, quần áo tặng người nghèo

Con cắt vải, mẹ may, cháu đem tặng

Cơn mưa nặng hạt kéo đến, cụ bà Trần Thị Vàng (còn gọi là bà Tư, 80 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) không màng để ý. Bà lặng lẽ ngồi trong căn chòi lá trống trước hở sau may chăn, quần áo tặng người nghèo.

Chân phải đều đều đạp bàn máy may, bà nói: “Tôi may như vậy đã 7 năm rồi. Trước đây, tôi chỉ ráp, nối các mảnh vải vụn lại thành chăn để tặng cho người cần. Sau này, sợ tôi vất vả, con gái mua vải mới cho tôi may”.

Ngày còn nhỏ, gia đình bà Tư rất nghèo. Cha mẹ cho bà đi học may để sau này "có cái nghề lận lưng". Về sau, khi các con yên bề gia thất, bà vẫn nhớ đến nghề cũ.

7 năm trước, thấy cánh thợ may vứt bỏ nhiều vải vụn, bà tiếc hùi hụi. Thế rồi, bà nảy ra ý định tận dụng số vải này may thành chăn tặng người nghèo.

{keywords}
7 năm qua, bà Trần Thị Vàng cùng người con gái thứ 6 tình nguyện mua vải về may chăn, quần áo để tặng người nghèo.

Mỗi khi được cánh thợ may cho vải, bà lại mày mò phân loại rồi ráp, nối từng mảnh lại với nhau thành những tấm chăn lớn. May xong, bà gấp, xếp gọn gàng, đóng bao chờ dịp gửi cho các đoàn từ thiện.

“Lần đầu tiên, tôi gửi tặng chăn là khi ra thăm ngôi chùa ở tỉnh Đồng Nai. Chùa nuôi rất nhiều trẻ lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn. Tôi ngỏ lời với sư trụ trì là muốn tặng chùa 50 cái chăn tự may. Nghe vậy, sư trụ trì vui lắm. Sư thầy rất hoan nghênh”, bà Tư chia sẻ.

Thấy việc làm của mình được đón nhận, bà Tư hạnh phúc đến nỗi như “trẻ, khỏe ra chục tuổi”. Bà tiếp tục nhận vải vụn về tỉ mẩn phân loại rồi miệt mài may. Thấy mẹ ráp, nối vải vụn vừa mất thời gian vừa mệt, người con gái thứ 6 của bà tình nguyện bỏ tiền mua vải mới về cùng bà cắt, may chăn.

Bà Tư kể: “Sợ tôi vất vả nên con đi mua vải mới về cho tôi may. Mỗi lần như thế, con mua cả cây vải dài 50m. May chăn bằng vải mới nhanh, đẹp và được nhiều hơn may bằng vải vụn. Mỗi ngày, tôi có thể may được trên chục cái chăn từ những cây vải mới như thế này”.

{keywords}
 Dù đã 80 tuổi nhưng khi may đồ, bà Tư không cần dùng kính lão, đôi tay vẫn rất khéo léo.

“Tuy nhiên, phải nhờ người con gái thứ 6 giúp căng, đo, cắt vải vì nó dài quá, một mình tôi không làm được. Thấy tôi may tặng người nghèo, con cũng mua máy may, kê sát bàn của tôi. Mỗi sáng, nếu rảnh rỗi, con cũng ngồi may cùng tôi. Mấy năm nay, mẹ con tôi vẫn cùng nhau may như thế”, bà Tư chia sẻ thêm.

Trong năm 2020, bà đã may và trao tặng cho các hội, nhóm từ thiện trên 1.000 cái chăn từ nhiều loại vải do con gái mua về. Tuổi đã cao nên bà không thể tự mình đi tặng chăn. Bà nhờ người cháu nội trực tiếp đem đi tặng người nghèo mỗi đêm.

“Người ta đắp chăn, lòng tôi cũng ấm”

Bà Tư nói: “Tôi bảo cháu nội là chiều tối, sau khi đi làm về thì lấy xe, chở chăn đi tặng người nghèo. Hễ thấy ai ngồi ngoài đường hay đi lang thang, cháu lấy chăn tặng người ta. Chiều nào đi làm về, cháu cũng chở chăn đi tặng”.

“Hai năm nay, thấy việc làm có ý nghĩa nên cháu tự nguyện lấy chăn đi tặng thường xuyên. Dịp Tết vừa qua, cháu cũng chở 50 cái chăn do tôi may đi tặng người nghèo. Cháu còn rủ thêm bạn đi cùng rồi mua thêm 50 cái bánh bao. Các cháu đi rong ruổi trên các tuyến đường, thấy người nghèo, lang thang thì tặng 1 cái chăn kèm theo 1 cái bánh bao”, bà Tư kể thêm.

{keywords}
Bà nói rằng, càng may bà càng thấy yêu thích và khỏe ra.

Dẫu được con gái mua vải mới để may chăn, bà Tư vẫn giữ thói quen nhận vải vụn, vải lỗi từ thợ may, công ty may mặc. Đối với những loại vải vụn không thể dùng để may thành chăn, bà biến chúng thành những bộ quần áo trẻ em nhỏ xinh.

Bà nói: “Các miếng vải vụn, vải lỗi quá mỏng không phù hợp cho việc may chăn, tôi đem may thành quần áo trẻ em. May cái này lâu hơn, tôi phải nhờ con dâu cắt vải. Con gái thứ 9 thấy thế cũng đòi đem về nhà vắt sổ để tôi may cho nhanh. Nhưng tôi nghĩ đem về nhà, con bận công việc, làm lâu nên tôi cứ để đây, tự tay làm”.

Cứ thế, một ngày mới của bà Tư bắt đầu bằng việc dậy sớm dùng bữa sáng. Con cho gì, bà dùng nấy. Con chưa kịp chuẩn bị, bà ăn vội miếng cơm nguội rồi ra căn chòi lá ngồi đạp máy may. Mỏi lắm bà mới đặt lưng lên chiếc võng mắc sẵn phía sau bàn may nằm nghỉ, lướt web giải trí.

{keywords}
Mỗi ngày, bà có thể may thành phẩm trên chục cái chăn từ những tấm vải được cô con gái của bà mua về như thế này.

Bà nói, 80 tuổi nhưng mắt vẫn tốt, may chăn, quần áo hay sử dụng điện thoại thông minh đều không cần phải dùng kính lão. “Càng may, tôi càng thấy khỏe. Một ngày, nếu chịu khó, tôi có thể may được mười mấy cái chăn”,  bà Tư dí dỏm chia sẻ. Bà cũng khoe vừa may thêm được rất nhiều chăn cùng hơn 50 bộ quần áo trẻ em.

Bà Tư rất thích may quần áo trẻ em bởi bà biết, nhiều cháu bé ở vùng sâu vùng xa còn chưa đầy đủ quần áo. Thế nên, vừa qua, khi có đoàn từ thiện đến xã Hòa Tân (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) tặng quà cho các gia đình khó khăn, ngoài gửi chăn, bà Tư còn gửi thêm những bộ quần áo cho trẻ em.

{keywords}
Bà Tư mong muốn có thể san sẻ được phần nào những khó khăn cho người nghèo bằng cách tặng họ chăn, quần áo tự may.

Những đóng góp của bà đã được chính quyền, cơ quan chức năng huyện ghi nhận. Các cơ sở từ thiện, mái ấm, chùa…nhận chăn, quần áo miễn phí của bà Tư đều có thư ghi nhận, cám ơn.

Điều này khiến bà rất vui và luôn muốn gửi thêm được nhiều chăn, quần áo cho người cần. Bà tâm sự: “Bây giờ, tôi chỉ ước mong có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc. Tôi luôn muốn may và gửi được nhiều chăn, quần áo hơn cho người nghèo, khó khăn. Bởi người ta đắp chăn, lòng tôi cũng ấm”.

Bài, ảnh, clip:  Nguyễn Sơn

Bà U70 cầm biển giúp học sinh qua đường giữa nắng gắt Sài Gòn

Bà U70 cầm biển giúp học sinh qua đường giữa nắng gắt Sài Gòn

Ngày 2 buổi, bất kể nắng gắt, mưa dầm, khi học sinh tan trường, bà Hai Trị lại cầm tấm biển ra đứng giữa làn xe ô tô chật cứng để xin đường, đưa các em về nhà an toàn.