Hơn 14 năm qua, con hẻm 351, đường An Dương Vương, Phường 3, Quận 5, TP.HCM rác được bỏ đúng nơi quy định, những tờ quảng cáo không còn dán nham nhở trên tường, cây xanh trồng trong chậu hàng ngày được tưới nước để phát triển tươi tốt, mang lại không gian mát mẻ.
Người dân ở đây cho biết, con hẻm được như vậy là nhờ có công rất lớn của bà Trần Tú Nga, 72 tuổi.
Một đoạn đường của hẻm 351. |
Bà Nga là giáo viên, nhưng về hưu sớm. Từ ngày về hưu, bà vừa bán hàng ở chợ, vừa làm công tác xã hội ở khu phố. Hiện, bà là Tổ trưởng tổ dân phố 16, khu phố 2, phường 3.
Căn nhà hai tầng của bà Nga ở gần một trường tiểu học. Cổng chính của ngôi trường này nằm ở đường Nguyễn Trãi, phường 3. Năm 2006, nhà trường quyết định mở thêm cổng thứ hai hướng ra hẻm 351 để giảm tình trạng kẹt xe, tắc đường vào giờ đưa đón học sinh. Từ đó, lượng rác thải ở con hẻm ngày càng nhiều do học sinh, phụ huynh, người buôn bán, người sống cạnh cổng trường không bỏ đúng nơi quy định.
Thấy “chướng mắt”, mỗi buổi chiều, bà Nga lại cầm chổi, đồ hót rác đi nhặt rác bỏ vào thùng. “Vỏ chai nhựa, bịch ni lông, hộp nhựa, thức ăn thừa… bị vứt vương vãi, mưa xuống, ruồi, muỗi, mùi hôi rất khó chịu”, cụ bà sinh năm 1948 nói về lý do làm việc bao đồng của mình.
Bà Trần Tố Nga. |
Ban đầu, bà Nga chỉ dọn dẹp xung quanh khu vực trường học. Sau đó, bà làm công việc này khắp con hẻm. Nhìn cụ bà tóc bạc, ngồi, cúi lâu là mỏi chân, mỏi lưng nhưng hàng ngày cầm chổi đi quét rác, nhiều người nói bà là dở hơi, làm chuyện bao đồng.
Có chủ nhà, thấy bà đến dọn số rác vứt vương vãi trước cổng thì khó chịu, nói: “Bà dằn mặt nhà tôi phải không?”. Bà Nga vẫn lẳng lặng làm công việc mang lại không gian sạch cho khu nhà ở.
“Tôi làm công việc này là tự nguyện, không có ý gì với họ cả”, bà Nga nói. Như biết lỗi, những lần sau vị chủ nhà thấy bà Nga là chào hỏi, tự ý cho rác vào thùng, dọn dẹp không gian sống sạch hơn.
Mỗi ngày, bà Nga cầm chổi dọn rác ở các ngóc ngách trên con hẻm mình đang sống. |
Lần khác, thấy một phụ huynh đưa con đi học tự tiện vứt bịch ni lông, bên trong có chứa rác thải xuống đường, bà Nga đi đến, nhẹ nhàng nhặt bỏ vào thùng. “Nếu nhắc nhở lúc đó, họ sẽ tự ái thì lời qua tiếng lại. Tôi im lặng làm để họ thấy xấu hổ, lần sau không làm chuyện xấu xí nữa”, cụ bà giải thích.
Cùng với việc dọn dẹp vệ sinh, bà Nga còn mua cây xanh về trồng hai bên đường, ngày ngày mang nước ra tưới, cắt tỉa lá, bắt sâu cho cây. Thấy những tờ quảng cáo, rao vặt dán nhem nhuốc lên tường, bà lập tức bóc bỏ. Nhiều chủ nhà thấy bà làm bong tróc lớp sơn trên tường nhà mình đã khó chịu, nhắc: "Bà làm vậy hư tường nhà tôi hết".
Bà Nga cũng thiết kế khu để cây xanh bên đường, chăm sóc, tưới nước mỗi ngày. |
Để tường hàng xóm không xấu, bong tróc lớp sơn bên ngoài, bà Nga khắc phục bằng cách dùng dao lam rạch lớp giấy, sau đó cho nước vào chai, đục lỗ nhỏ rồi thấm cho ướt giấy. "Tờ giấy bị ướt, nó tự tróc ra, tôi không phải gỡ mà lớp sơn tường vẫn được giữ nguyên", giọng vui vẻ, bà Nga khoe.
Tuy nhiên, do tuổi đã cao, không thể leo trèo, nên những tờ quảng cáo dán trên cao, bà Nga không gỡ bỏ được. Không còn cách nào khác, bà Nga nhờ họa sĩ dùng sơn vẽ những cảnh đồng quê, cảnh sinh hoạt, những bông hoa, con vật... lên tường.
"Tôi làm vậy xong, mấy cô cậu đi dán tờ rơi, quảng cáo không còn dán bậy lên tường nữa. Nhiều hộ gia đình trong hẻm họ cũng đồng tình", bà Nga khoe.
Mấy năm nay, bà Nga nghỉ bán hàng ở chợ vì tuổi cao, không thể ngồi lâu. Ở nhà, bà mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán đường, nước mắm, bánh kẹo, nước uống... cho có đồng ra đồng vào.
Chồng bà đã nghỉ hưu nên phụ vợ bán hàng, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Có nhiều thời gian rảnh hơn, ngoài đi dọn vệ sinh cho con hẻm, bà Nga còn làm đứng ra hòa giải những mâu thuẫn xảy ra trong tổ dân cư.
Bà Nga cho biết, mỗi khi thấy ai vứt rác bừa bãi, bà im lặng đến nhặt trước mặt họ để họ tự biết xấu hổ mà có ý thức bảo vệ môi trường hơn. |
Cụ bà kể, có một hộ gia đình trồng cây xanh, rau trên sân thượng. Đáng lẽ, họ phải đưa đường ống nước từ tầng hai nhà mình lên để tưới cây. Tuy nhiên, họ không muốn nước thấm tường nhà mình nên làm đường ống nước chệch sang tường nhà hàng xóm.
Bị hàng xóm nhắc nhưng chị chủ nhà im lặng, tỏ thái độ bất cần, họ phải cầu cứu bà Nga. Sau khi nghe hai bên trình bày, bà Nga thấy chị trồng rau sai nên yêu cầu phải sửa. "Cô ấy đã xin lỗi rồi làm lại đường ống nước", bà Nga nhớ lại.
Một lần, nghe người dân trong hẻm kể, bà Nga biết được câu chuyện của anh Lương Tô Nam bị tật nguyền, đi bán vé số dạo nuôi con. Sau khi tìm hiểu, bà đề xuất với chính quyền hỗ trợ anh Nam tiền thuốc men chữa bệnh, cấp học bổng để các con anh đến trường. Mỗi lần anh đi khám, bà lại dúi vào tay ít tiền để người đàn ông tật nguyền có kinh phí thuê xe ôm, mua thuốc.
Cảm phục trước việc làm của bà, những người dân trong hẻm ai cũng tự ý dọn dẹp vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định, đóng góp chậu, cây cảnh để những vườn cây của tổ dân cư nơi mình ở thêm xanh mát.
Bà Nga cũng được UBND Quận 5 tuyên dương là tấm gương tiêu biểu, chọn khu phố 2 là "khu phố không rác" và bầu bà Nga làm quản lý.
Người mang niềm vui trọn vẹn cho các cặp đôi khuyết tật
Đã 3 năm nay, anh Huynh và nhóm tình nguyện thực hiện hàng trăm bộ ảnh cưới cho những cặp đôi khuyết tật. Tất cả đều miễn phí.
Tú Anh