Thông tin trên được Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì tổ chức.
Phó giáo sư Mai dẫn kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2020 cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 7,4%, tăng gấp gần 15 lần so với năm 2000.
Trong khi đó, tỷ lệ thừa cân béo phì của trẻ từ 5 đến 19 tuổi là 19%, tăng gấp đôi so với năm 2010 và tăng 7,3 lần so với năm 2002. Đáng chú ý, ở TP.HCM, tỷ lệ này là trên 40%.
“Ở TP.HCM, cứ 2 học sinh lại có 1 trẻ thừa cân, béo phì. Trẻ em là tương lai của đất nước, chúng ta cần phải sớm quan tâm và cải thiện”, Phó giáo sư Mai cảnh báo.
Các yếu tố dẫn đến thừa cân béo phì ở trẻ gồm người mẹ trước sinh, yếu tố di truyền và sinh học, chế độ ăn uống và lựa chọn thực phẩm, hoạt động thể chất và hành vi tĩnh, đặc điểm của cha mẹ và gia đình, nguy cơ từ môi trường…
Tuy nhiên, việc kiểm soát thừa cân béo phì vẫn gặp nhiều rào cản, trong đó, có vấn đề môi trường vận động cho trẻ ở học đường, việc lựa chọn thực phẩm trong bữa ăn….
Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Diễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết một nghiên cứu tại TP.HCM năm 2020 trên chế độ ăn của 224 học sinh từ 9-11 tuổi cho thấy, có gần 60% trẻ thừa cân béo phì. Đồng thời, trẻ có chế độ ăn vặt gồm uống nước ngọt và ăn snack có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 5 lần so với trẻ ít uống nước ngọt và snack.
Các chuyên gia cảnh báo thừa cân béo phì khiến người bệnh có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 bệnh ung thư. Đây là gánh nặng cho cá nhân và xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân.
Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu người mắc bệnh không lây nhiễm, chiếm gần1/4 dân số.