- Trong lúc vận chuyển hàng trong công ty tôi có vô ý làm rơi vỡ màn hình máy tính cũ. Công ty yêu cầu tôi phải bồi thường màn hình đó với giá 3 triệu đồng, nếu không có sẽ trừ dần vào lương. Nhưng theo tôi được biết thì chiếc màn hình đó chỉ có giá 1 triệu đồng, mà công ty nhất định không chịu để tôi mua cái mới bù vào đó. Nếu muốn đền thì phải đền tiền mặt. Xin hỏi công ty làm như vậy là đúng hay sai?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi bức xúc vì công ty đòi bồi thường quá cao (Ảnh minh họa)

Theo thông tin bạn cung cấp thì trong quá trình vận chuyển hàng trong công ty bạn đã vô ý làm rơi vỡ màn hình máy tính cũ của công ty. Việc công ty yêu cầu bạn bồi thường là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Căn cứ theo quy định của pháp luật, việc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

Điều 130 – Bộ luật lao động 2012. Bồi thường thiệt hại

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Căn cứ khoản 2, 3, Điều 32, Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có quy định về bồi thường thiệt hại:

2. NLĐ phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi NLĐ làm việc do Chính phủ công bố;

b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao;

c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của NSDLĐ.

3. Trường hợp NLĐ gây thiệt hại cho NSDLĐ theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà có hợp đồng trách nhiệm với NSDLĐ thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

Theo đó, Điều 32 của NĐ 05/2015/NĐ-CP đã cụ thể hóa quy định của Điều 130 Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 về bồi thường, như sau.

Mức bồi thường tối đa 3 tháng lương thực tế: Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại khi sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.

Về việc khấu trừ tiền lương của bạn để thực hiện việc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

Điều 101 – Bộ luật lao động 2012. Khấu trừ tiền lương

1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.

2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.

3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.

Như vậy, theo quy định của luật lao động thì nếu không có hợp đồng trách nhiệm thì bạn bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động theo hình thức khấu trừ dần vào lương.

Bạn thấy mức bồi thường thiệt hại đó không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại về bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự tại Điều 201 của Bộ luật Lao động căn cứ theo Điều 33 Bộ luật này: 

Điều 33. Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất

1. Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thỏa đáng thì có đơn khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo trình tự quy định tại Điều 201 của Bộ luật Lao động.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc