- Trước hiện tượng đèn tín hiệu giao thông trong nội thành Hà Nội bị tê liệt hàng loạt như VietNamNet đã nêu, Trung tá Trần Văn Đức, Đội trưởng Đội điều khiển đèn tín hiệu, Phòng CSGT Công an Hà Nội lý giải: “Là do hệ thống đèn tín hiệu có nhiều loại và đã có từ lâu, thêm vào đó trong quá trình tổ chức giao thông có nhiều nút đèn không cần dùng nữa, bởi do bịt ngã tư, hay do thi công bị hỏng hóc”...

>> Hà Nội: Nhiều đèn tín hiệu giao thông tê liệt

Đèn tín hiệu hỏng hóc do thi công

Trung tá Trần Văn Đức
Trung tá Đức cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 224 nút đèn tín hiệu, vì rất nhiều lý do đã khiến những đèn này tạm ngưng hoạt động hoặc vẫn đứng chình ình trên đường dù đèn vẫn nhấp nháy vàng.

Lý giải về việc có nhiều đèn tín hiệu bị tê liệt, ông Đức cho rằng, đó là do hệ thống đèn có nhiều loại và cũng đã có từ lâu, thêm vào đó trong quá trình tổ chức giao thông có nhiều nút đèn không cần dùng nữa do bịt ngã tư, hay do thi công bị hỏng hóc…

Cụ thể có hệ thống đèn cũ có từ năm 1995 tới nay đã 16 năm nên cũng có sự cố hỏng. Thêm vào đó, một số nút đèn đang được nghiên cứu, tạm thời ngắt đi để thay thế một loại đèn mới phù hợp hơn, tác dụng hơn.

“Chẳng hạn, ở nút đó ngày xưa là dùng đèn sợi đốt, tiêu hao điện nhiều và ánh sáng cũng kém hơn, nên giờ chúng tôi đang thay đổi một loạt đèn LED có ánh sáng tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu. Thực tế, chúng tôi đã thay được 91 nút và trong tương lai sẽ tiếp tục lắp đặt tại các nút khác, để thuận tiện trong quan sát cho người đi đường” - Trung tá Đức nói.

Theo ông Đức, vấn đề về đèn tín hiệu cũng như tất cả các lĩnh vực khác thuộc về kỹ thuật, nên có lúc hoạt động bình thường, cũng có lúc gặp sự cố. Đặc biệt, trong tháng vừa rồi, mưa nhiều, gây ra chập cáp, hoặc là ngành điện cắt điện nên cũng có đèn tín hiệu không hoạt động.

Ngoài ra, việc xây dựng và điều hành quản lý bao gồm nhiều đơn vị nên không thể thống nhất 100% về nguyên tắc hoạt động và cơ cấu của đèn khiến việc điều khiển vô cùng khó khăn.

Ông Đức cũng nói rõ: Hệ thống đèn được xây dựng chủ đầu tư là Sở GTVT có nhiều loại đèn, nhiều loại tụ khác nhau. Nhưng khi điều hành đèn hoàn toàn phải cùng một tụ mới có thể điều khiển được. Bên cạnh đó, lòng hè, đường liên tục đào lên thi công đã vô tình giết chết mạch máu là những dây cáp điện cung cấp “nguồn sống” cho hệ thống.

Chẳng hạn như tại nút Ngô Quyền, đơn vị khi thi công, làm đường đã đè hết cả ống cáp bên dưới rồi phủ hẳn lên. Để sửa đèn này thì phải mất nhiều thời gian, phải khảo sát để tìm lại ống cáp đó, xin phép ngành giao thông đào lên, để nối lại, cái này vượt quá tầm kỹ sư ở trung tâm nên phải thuê tư vấn chuyên gia ngoài.

Hay như đường Nguyễn Trãi có một số đèn không sáng vì vừa qua trên trục Nguyễn Trãi có làm một số việc thuộc chức năng của ngành giao thông, nên tạm thời phải ngắt đèn cho người đi bộ để không ảnh hưởng đến việc thi công. Tới đây, đơn vị thi công sẽ phải cho nối lại các đường cắt, để cho các đèn hoạt động trở lại.

“Một số đèn bị vỡ, rơi ra có thể là do các vụ tai nạn giao thông, xe cộ đâm phải gây hư hỏng, nhưng xe bỏ chạy. Có trường hợp vẫn đang điều tra, nên nhiều cột vẫn phải giữ nguyên hiện trường vậy để làm chứng cứ”, Trung tá Đức cho hay.

Sẽ thu hồi đèn không hoạt động

Được biết, hiện ngành Công an Hà Nội cũng đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội yêu cầu thu hồi những đèn không cần thiết, tránh gây ra những hiểu lầm khác tại những nút đã được tổ chức lại giao thông. Và dự kiến sẽ có 18 đèn đỏ được thu hồi trong thời gian tới.

Đường Nguyễn Trãi có một số đèn không sáng

Trung tá Đức cho biết: Có nhiều nút đèn do tổ chức lại giao thông, trước kia có đèn ở đó, sau tổ chức lại thì cho dừng hoạt động. Quan điểm của phòng CSGT thời gian tới là những đèn không dùng tới tại các nút được tổ chức lại giao thông thì Sở GTVT phải thu hồi, vì Sở GTVT là chủ đầu tư, để như thế thì gây ra những cái hiểu lầm rồi gây hỏng hóc.

Điển hình như nút Đại Cồ Việt – Giải Phóng có một số đèn không hợp lý, tới đây sẽ cho tháo bỏ, tránh gây hiểu nhầm cho người đi đường, hay nút Giải Phòng – Lê Thanh Nghị, người đi đường có thể vẫn nhìn thấy đèn nhưng tổ chức lại giao thông nên không cần dùng đến đèn nữa.

Trung tá Đức cũng cho biết thêm: Theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm mới đây cần thu hồi 12 nút đèn, nhưng tới nay chưa thu vì để đèn vàng hoạt động cho người dân đi đến điểm đó có thể ý thức được và đi cho đúng.

Trước việc đèn tín hiệu giao thông bị “tê liệt” gây nên những bất cập trong điều hành giao thông, Trung tá Đức cho rằng: “Trong quá trình vận hành, sử dụng có hư hỏng thì cho khắc phục sửa chữa, nhưng phải dần dần, không nhanh được. Mỗi năm đều có những kế hoạch duy tu thường niên, nhưng phải làm dần, theo từng tuyến” .

Được biết, trong thời gian tới, Sở GTVT và Công an TP.Hà Nội sẽ tiến hành lắp đặt thêm một số đèn và 20 camera mới tại các nút như: Trần Duy Hưng – Phạm Hùng, Hoàng Cầu – La Thanh, Phạm Hùng – Mễ Trì, Sân vận động Hà Đông.

Vũ Điệp