- Ngày 17/9/2017, tôi điều khiển xe máy đi từ Phú Thọ về Yên Bái. Trên đường đi, tôi bỗng nhiên choáng váng rồi ngã xe, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. CSGT đo nồng độ cồn trong mũi thì được 0.325mg/l khí thở, đã phạt tôi hai lỗi gồm: không chú ý quan sát gây tai nạn và nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép và tạm giữ phương tiện.

Tính đến nay, xe của tôi đã bị tạm giữ được 20 ngày mà không có văn bản nào thông báo. Ngày 6/10/2017, cán bộ yêu cầu tôi viết biên bản xin xử lý vụ tai nạn giao thông, đơn xin từ chối giám định thương tích, bản kiểm điểm.

Xin hỏi luật sư, CSGT không cho tôi biết xe bị tạm giữ bao lâu và tới nay vẫn chưa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, việc giám định thương tích và tạm giữ xe không thông báo cho người bị nạn, như vậy có đúng không?

{keywords}
Ảnh minh họa

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà áp dụng xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

6. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Điều 78. Tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính:

b) Điểm b Khoản 5; Khoản 6; Điểm b, Điểm c Khoản 8; Khoản 9; Khoản 10; Khoản 11 Điều 6;

2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Căn cứ theo quy định trên, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản. Căn cứ theo quy định trên nếu cần điều tra xác minh có thể tạm giữ phương tiện không quá 30 ngày và được lập thành biên bản.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc