- Phiên thảo luận của Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 5/11 đã trở nên nhẹ nhàng rất nhiều khi bàn về những điều khoản chưa từng có tiền lệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chốt lại: “Chúng ta cũng tăng cường công tác đối ngoại, tuyên truyền đến cử tri cả nước để thấy được sự tin cậy của bạn bè quốc tế với nước ta…. Kết quả của công cuộc đổi mới, của cải cách về hành chính quốc gia Việt Nam khẳng định chúng ta đủ lực, đủ tâm thế để chúng ta tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới như vậy”.
Bà Ngân cam kết chuẩn bị nghị quyết để trình Quốc hội có thể thông qua được nghị quyết phê chuẩn CPTPP vào ngày 12/11/2018.
Như vậy, CPTPP, một trong những hiệp định thế hệ mới đã trải qua các bước khá nhẹ nhàng ở Quốc hội. Gọi là hiệp định thế hệ mới vì các cam kết của nó phải tuân thủ rất chặt chẽ, sát sao và nếu không chế tài để trừng phạt là rất mạnh mẽ và nghiêm khắc.
Một trong những cam kết mới mẻ nhất đối với Việt Nam trong CPTPP nằm ở lĩnh vực lao động, mà trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, Chính phủ định danh là “thách thức”.
Chính phủ giải thích, thách thức ở đây liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và sự quản lý của Nhà nước để đảm bảo hoạt động của các tổ chức này tuân thủ đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc "tuân thủ pháp luật của nước sở tại" đã nêu trong Công ước 87 của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội |
Đây là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội, động lực cho các tổ chức công đoàn đổi mới mạnh mẽ để hoạt động có hiệu quả hơn. Thách thức này sẽ được giải quyết chủ yếu thông qua việc xây dựng những quy định chặt chẽ về điều kiện, thủ tục thành lập, quản lý đăng ký hoạt động của tổ chức của người lao động; chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích v..v.
Liên quan tới vấn đề công đoàn, theo các tài liệu của VCCI, sau khi CPTPP có hiệu lực, ở Việt Nam sẽ tồn tại 2 loại hình công đoàn: (i) các công đoàn nằm trong hệ thống của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; (ii) các công đoàn đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không nằm trong hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động.
Các tổ chức công đoàn mới này có quyền tự chủ trong việc bầu ra đại diện; Thông qua điều lệ và nội quy của tổ chức; Thu phí đoàn viên và quản lý tài chính, tài sản của tổ chức; Đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định pháp luật; Tổ chức, lãnh đạo đình công theo quy định pháp luật.
Trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp, sẽ được phép có nhiều hơn 1 công đoàn cơ sở cùng tồn tại. Các tổ chức công đoàn này sẽ được hưởng các quyền không ít hơn các quyền của công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ. Công đoàn độc lập cũng được chia sẻ phần trích nộp kinh phí công đoàn tương ứng với tỉ lệ đoàn viên mà họ có.
Năm năm sau khi TPP có hiệu lực, các công đoàn độc lập có quyền gia nhập các tổ chức công đoàn cấp trên doanh nghiệp.
Khác với Tổng LĐLĐVN là một tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức công đoàn mới sẽ chỉ đại diện cho người lao động trong quan hệ lao động và không được tham gia vào các hoạt động chính trị.
Có thể thấy, đây là những cam kết rất mới, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và Chính phủ đã đề nghị đưa Bộ luật Lao động sửa đổi vào trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 để chuẩn bị cho những cam kết này.
Trình bày lại ở phiên thảo luận của Quốc hội ngày 5/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giải thích rõ thêm về cam kết này.
Theo Phó Thủ tướng, CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO cũng như các thành viên của Hiệp định CPTPP có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi. Trong các điều khoản này có điều khoản cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Quy định của ILO cũng khẳng định là tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
“Các tổ chức của người lao động không được có các hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an ninh và không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ đã được đăng ký và được cho phép”, ông giải thích thêm.
Trước đó, ngày 2/11, thảo luận tại tổ về dự thảo hiệp định CPTPP, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Ngọ Duy Hiểu bày tỏ nhiều băn khoăn về cam kết này.
Ông nói: “Đây là thách thức rất lớn với tổ chức Công đoàn Việt Nam và là vấn đề chưa có tiền lệ trong cách tiếp cận của hệ thống chính trị nước ta. Tức là có một tổ chức khác tồn tại đồng thời với Công đoàn, mặc dù tổ chức này không mang trong mình đầy đủ bản chất mô hình của đoàn thể”.
“Chúng tôi có một số điều lo ngại, rằng nếu không cẩn thận, tổ chức này sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là công đoàn vàng. Ở đó giới chủ tự thành lập lên, sau đó thao túng, biến công đoàn ấy là tay chân của giới chủ”, ông bổ sung thêm.
Ông Hiểu lưu ý khả năng một loại tổ chức nữa là đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp cho trật tự an toàn xã hội.
“Đây là các vấn đề mà chúng ta cần có giải pháp ngăn chặn. Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động, cùng người lao động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp”.
CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày mà ít nhất 6 nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định thông báo với Cơ quan lưu chiểu New Zealand bằng văn bản về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết của nước đó. Cho đến nay, đã có 6 nước thông báo chính thức tới New Zealand về việc hoàn thành quá trình phê chuẩn là Mehico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Austrailia.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hóa:
Vấn đề quan tâm nhất trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam là vấn đề lao động và công đoàn.
Về tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, Chính phủ đã nhận diện và đề xuất biện pháp xử lý đối với thách thức lớn nhất trong điều kiện cam kết về lao động liên quan đến yêu cầu sửa đổi pháp luật nhằm bảo đảm quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Phạm Hải |
Đặc biệt, thông qua việc ký thư trao đổi với các nước tham gia CPTPP, 10 nước còn lại, Việt Nam được hưởng một số linh hoạt về thời gian để hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như tổ chức bộ máy để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của Hiệp định CPTPP liên quan đến bảo đảm quyền tự do liên kết, vận hành cơ chế cho phép thành lập và quản lý tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Các nước không trừng phạt thương mại Việt Nam trong 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực cho tất cả các nhiệm vụ của chương lao động, sau 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực cho các nhiệm vụ liên quan đến tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể và thêm 2 năm nếu các nước đồng ý xem xét lại, chúng ta cũng không bị trừng phạt về thương mại.
Vấn đề ở đây cần đặt ra đó là tổ chức đại diện người lao động đứng cạnh tổ chức công đoàn. Tôi cho rằng trong dự thảo Luật Công đoàn Chính phủ cũng đang dự kiến cho thành lập tổ chức đại diện người lao động tại công đoàn. Tôi cho đây là một tổ chức không mang màu sắc chính trị, chủ yếu bảo vệ quyền lợi hợp pháp về quan hệ lao động và không có các hành động khác liên quan đến chính trị.
Tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội và thách thức nhưng cơ hội đối với tổ chức công đoàn cao hơn cho nên dự thảo Bộ luật Lao động cũng cần được xem xét để nghiên cứu. Điều này chúng ta cũng tiến hành xem xét, rà soát khi sửa đổi Bộ luật Lao động vào năm 2019. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Đồng thời, việc cho phép hình thành tổ chức đại diện của người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn hiện nay cũng gắn liền với việc xem xét, sửa đổi, nâng cao hiệu quả các cơ chế về đối thoại, thương lượng, hợp tác, tham vấn trong quan hệ lao động.
Thứ ba, ngoài những văn bản pháp luật Chính phủ đã đề nghị để sửa đổi và bổ sung, xây dựng cần phải xem xét một cách toàn diện hệ thống pháp luật hiện hành của chúng ta. Không nhất thiết phải 8 luật, 4 nghị định và 7 văn bản dự kiến sẽ xây dựng mới. Vấn đề quan trọng ở đây khi chúng ta sửa đổi Bộ luật Lao động thì phải sửa Luật Công đoàn. Vì Luật Công đoàn sẽ liên quan đến vấn đề các quan hệ lao động của tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể, xử lý các quan hệ trong lao động Luật Công đoàn cũng phải được đưa ra xem xét để sửa đổi. Tôi nói như thế có nghĩa không phải chỉ Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn mà có lẽ chúng ta cũng phải rà soát, xem xét tiếp một số hệ thống pháp luật có thể liên quan đến vấn đề công đoàn và liên quan đến vấn đề khác khi chúng ta thực hiện Hiệp định CPTPP. Mặt khác, Chính phủ cũng cần quan tâm, xem xét, ký kết 3 công ước hết sức quan trọng theo đề nghị của ILO.
Công ước thứ nhất là Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và quyền được tổ chức, đây là một công ước rất quan trọng, Chính phủ hiện nay cũng đang chuẩn bị.
Công ước thứ hai là Công ước 98, về áp dụng những nguyên tắc, quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
Công ước thứ ba là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Tôi đồng tình với Chính phủ và Tờ trình của Chủ tịch nước, chúng ta không bảo lưu một điều khoản nào trong hiệp định và đặc biệt khoản liên quan đến lĩnh vực công đoàn và lao động chúng ta cũng hoàn toàn không phải bảo lưu một điều nào.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Hà Nội:
Dưới giác độ của lao động và công đoàn, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những thuận lợi, thời cơ mang lại, Công đoàn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, chưa có tiền lệ. Đó là sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn của Việt Nam. Sau khi các điều khoản về lao động công đoàn có hiệu lực, tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với tổ chức đại diện người lao động về thu hút, tập hợp, kết nạp đoàn viên, về thành lập tổ chức ở cơ sở và chia sẻ nguồn lực về tài chính.
Trong khi tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời phải thực hiện chức năng của đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam, thì tổ chức khác chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích của người lao động bên cạnh đó sẽ phát sinh không ít những khó khăn trong việc triển khai các quy định của pháp luật về đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, lãnh đạo và tổ chức đình công, thách thức là vậy nhưng vì lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, Công đoàn Việt Nam sẵn sàng chấp nhận, vượt qua thách thức, coi đây là cơ hội đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của tổ chức mình.
Thực tế, thời gian qua, Công đoàn Việt Nam đang đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, khắc phục bệnh hành chính, tư duy bao cấp trong hoạt động hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Để tận dụng nhiều lợi ích mang lại cho đất nước từ Hiệp định CPTPP, tôi trân trọng đề nghị:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân, tổ chức về nội dung, thời cơ, thách thức của Hiệp định CPTPP, định hướng hành động cho các chủ thể liên quan để làm chủ và tận dụng cơ hội của Hiệp định CPTPP để phát triển đất nước.
Thứ hai, Chính phủ cần tập trung xây dựng các chương trình, kịch bản sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực để thực hiện theo hướng chi tiết, cụ thể vừa đảm bảo giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Thứ ba, trong việc sửa đổi Bộ luật Lao động, cần thiết lập những quy định thật sự thông minh, vừa đảm bảo cam kết của chúng ta với các đối tác nhưng vừa linh hoạt trong việc thực thi, tổ chức thực hiện, không để những tổ chức khác ra đời không vì lợi ích bảo vệ người lao động mà vì những động cơ chính trị, chống, phá nước ta và cũng không để những tổ chức khác ra đời do giới chủ thao túng, phá hoại Công đoàn Việt Nam và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tư Giang lược thuật
Ông Vũ Tiến Lộc: CPTPP cũng gây lo lắng khôn nguôi
CPTPP sẽ mang lại cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro gây lo lắng khôn nguôi.
Cơ hội vàng cho Việt Nam
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Washington với Bắc Kinh, các công ty đã dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các nước láng giềng xung quanh.
Sau sự cố đáng tiếc, Việt Nam sắp có 'cú hích' mới?
Những áp lực từ EVFTA đưa ra đối với chính phủ và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ở nước ta là khá rõ ràng. Nhưng đó là những cam kết và sức ép tốt.
Không còn phải “vỡ òa” sung sướng với các chỉ tiêu kinh tế
Các chỉ tiêu kinh tế đã về đích ngoạn mục sớm thay vì cuối năm giúp các nhà điều hành kinh tế không còn phải “hồi hộp” hay “vỡ òa” như năm trước.
Đừng ‘dội nước lạnh’ vào tâm huyết cải cách
Các sự việc xảy ra đan xen cho thấy môi trường kinh doanh, pháp lý, tính chuyên nghiệp... những yếu tố cấp thiết của môi trường khởi nghiệp, cho Cách mạng 4.0 ở nước ta còn lộn xộn, tự phát.