Những năm gần đây, Malaysia nổi lên là trung tâm kiểm tra và đóng gói chip quan trọng tại châu Á. Các nhà cung ứng lớn như Infineon Technologies AG, NXP Semiconductors NV và STMicroelectronics NV đều có nhà máy tại quốc gia này.
Malaysia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt (Ảnh: Getty Images). |
Khi số ca Covid-19 tăng mạnh, kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế và phục hồi toàn bộ công suất gặp nguy hiểm. Tuần trước, Ford Motor cho biết sẽ tạm dừng sản xuất mẫu xe bán tải F-150 tại một nhà máy Mỹ do thiếu linh kiện liên quan tới bán dẫn vì dịch Covid-19 tại Malaysia.
Các nhà chức trách đang chạy đua dập tắt dịch bệnh và cấp miễn trừ cho một số nhà sản xuất nhất định để duy trì kinh tế. Các công ty được phép hoạt động với 60% nhân sự trong thời gian phong tỏa hồi tháng 6 và có thể dùng 100% lao động nếu hơn 80% trong số họ đã tiêm phòng đầy đủ.
Tuy nhiên, tình hình thực tế có thể còn biến động. Nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn trong 2 tuần để khử khuẩn nếu có trên 3 công nhân mắc Covid-19. Theo nhà phân tích Samuel Tan, nó sẽ gây gián đoạn với Infineon và các hãng khác đang tuyển dụng hàng ngàn công nhân.
STMicro và Infenion – hai nhà cung ứng xe hơi lớn – đã phải đóng cửa các nhà máy.
Tình hình sẽ làm cho khủng hoảng bán dẫn trầm trọng hơn. Thời gian từ khi đặt hàng bán dẫn và giao hàng đã tăng hơn 8 ngày, lên 20,2 tuần trong tháng 7. Đây là thời gian chờ dài nhất kể từ khi công ty nghiên cứu Susquedohanna bắt đầu theo dõi dữ liệu từ năm 2017.
Các hãng xe hơi đều thiệt hại doanh số do nhiều sự cố bất ngờ trong năm qua, bao gồm cả trận bão tuyết tại Texas (Mỹ) và hỏa hoạn tại Nhật Bản. Toyota mới đây thông báo tạm dừng sản xuất tại 14 nhà máy vì các nhà cung ứng, chủ yếu tại Đông Nam Á, đối mặt với làn sóng Covid-19 và phong tỏa mới.
Nissan và GM cũng cảnh báo khủng hoảng linh kiện sẽ nặng hơn do phong tỏa tại Malaysia. Nissan phải đóng cửa dây chuyền sản xuất tại Tennessee trong 2 tuần tháng 8.
Malaysia có vai trò vô cùng lớn vì đây là cơ sở kiểm tra và đóng gói chip chính, là những bước cuối cùng trong khâu sản xuất bán dẫn. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp, điện tử và sản phẩm điện tử chiếm 39% tổng sản lượng xuất khẩu. Bất kỳ gián đoạn nào từ chuỗi cung ứng cũng gây hiệu ứng gợn sóng trong hệ sinh thái.
Trước đó, khủng hoảng chip được dự đoán sẽ gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD cho các hãng xe trong năm 2021. Mức độ thiệt hại sẽ được quyết định dựa trên khả năng chống lại dịch bệnh của chính phủ các nước. Nhà phân tích Mark Fulthorpe và Phil Amsrud cho biết hoạt động kiểm tra và đóng gói chip dễ lây nhiễm vì cần nhiều nhân lực hơn so với sản xuất chip, phần lớn được tự động hóa.
Du Lam (Theo Fortune)
Hàn Quốc triệu tập doanh nghiệp bàn vấn đề khủng hoảng chip
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 15/4 triệu tập lãnh đạo doanh nghiệp ngành bán dẫn, xe hơi và đóng tàu để bàn về chiến lược giải quyết khủng hoảng chip.