Liên minh châu Âu (EU) ban đầu đã ấn định ngày 30/6 tới là mốc thời gian để các quốc gia thành viên thực hiện các bước đi cụ thể và thích hợp trong việc thực hiện và triển khai mạng di động thế hệ tiếp theo (mạng 5G) nhưng bây giờ họ sẽ phải chờ đợi và dựa vào tình hình diễn biến tiếp theo của Covid-19.
Sự chậm trễ trong đấu giá phổ tần số
Đại dịch do Covid-19 gây ra trên toàn cầu đã làm cho kế hoạch đấu giá phổ tần số dành các mạng di động 5G phải hoãn lại trên khắp châu Âu.
Tại Pháp, các cuộc đấu giá phổ tần số dành cho 5G đã được chính phủ lên kế hoạch thực hiện vào giữa tháng 4 năm nay nhưng cuối cùng đã bị hoãn lại cho đến khi có thông báo mới.
Tây Ban Nha cũng đã thông báo với EU về việc sẽ hoãn kế hoạch đấu giá phổ tần số vì lý do bất khả kháng, mà chưa đề xuất một lịch trình mới.
Covid-19 làm chậm tiềm năng triển khai 5G ở châu Âu |
Tương tự Pháp và Tây Ban Nha, các quốc gia như Áo, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Séc cũng đã thông báo về việc hoãn kế hoạch đấu giá.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố có thể đóng cửa thị trường của mình đối với Huawei đồng thời thuyết phục để các nước khác làm theo nhưng EU đã đưa ra quyết định vào tháng 1 vừa qua rằng họ sẽ mở cửa cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nếu Huawei đáp ứng được các hạn chế nghiêm ngặt mà EU đưa ra.
Tương tự như EU, Vương quốc Anh cũng quyết định không cấm hoàn hoàn thiết bị Huawei trong mạng 5G của họ mà đã áp đặt một số hạn chế đối với công ty như không được triển khai 5G tại một số khu vực nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia; thiết bị của các công ty này cũng không được lắp đặt gần các địa điểm quan trọng như cơ sở hạt nhân hay căn cứ quân sự; không được phép cung cấp quá 35% thiết bị cho một phần cụ thể của cơ sở hạ tầng mạng 5G.
Cuộc cách mạng internet lần thứ hai?
Theo một nghiên cứu được công bố bởi Ủy ban châu Âu thì những lợi ích kinh tế mà công nghệ 5G mang lại được dự đoán là rất lớn. Việc triển khai công nghệ 5G trong các lĩnh vực như ô tô, y tế, vận tải và cung ứng ước tính sẽ đạt 62,5 triệu euro trong tác động trực tiếp hàng năm ở EU vào năm 2025 và những tác động gián tiếp sẽ làm cho nền kinh tế tăng thêm 113 triệu euro.
Trong khi đó, những người ủng hộ công nghệ 5G hy vọng sẽ có một cuộc cách mạng công nghệ tương tự như cuộc cách mạng do internet mang lại, với một thế giới các vật thể siêu kết nối phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tác động của 5G đến sức khỏe và môi trường
Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP), một cơ quan có trụ sở tại Đức, cho biết vào đầu tháng 3 rằng họ tin rằng không có bằng chứng nào cho thấy 5G có ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ủy ban tư vấn khoa học Tây Ban Nha về tần số vô tuyến và sức khỏe (Ccars) cũng đưa ra kết luận tương tự trong một báo cáo; tuy nhiên, báo cáo cho rằng điều này sẽ cần phải được xem xét dưới ánh sáng của bằng chứng khoa học.
Mới đây, để có những bằng chứng rỏ ràng về tác động của tần số sử dụng cho 5G đối với sức khỏe con người, Văn phòng Truyền thông vương quốc Anh (Ofcom) đã đo lượng phát xạ trường điện từ của các thiết bị được sử dụng để truyền tín hiệu di động và các dịch vụ vô tuyến khác, trong đó đã tiến hành đo 16 trạm gốc 5G ở 10 thị trấn và thành phố trên khắp Vương quốc Anh, tập trung vào các khu vực có khả năng sử dụng di động cao nhất. Tại tất cả các địa điểm đo, Ofcom nhận thấy lượng phát xạ vô tuyến đo được chỉ bằng một phần nhỏ của các mức phát xạ an toàn được công bố bởi ICNIRP, cụ thể mức tối đa đo được ở tất cả các vị trí khảo sát chỉ bằng 1,5% mức phát xạ do ICNIRP công bố.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: “Cho đến nay, và sau nhiều cuộc điều tra nghiên cứu cho thấy, không có ảnh hưởng bất lợi nào liên quan đến việc tiếp xúc với các sóng vô tuyến do công nghệ di động gây ra”, nhưng cũng thừa nhận không có nhiều nghiên cứu về tần số cụ thể được sử dụng bởi 5G.
Phan Văn Hòa (Theo Euronews)
Tội phạm mạng lợi dụng dịch Covid-19, trạm phát sóng 5G của Anh bị đốt
Trạm phát sóng 5G của Anh bị đốt; Tin tặc lợi dụng sự bùng phát dịch Covid-19; Việt Nam chế tạo thành công robot chống dịch Covid-19;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.