Thẻ tín dụng ngày càng được ưa chuộng
Khảo sát nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng do một tờ báo điện tử thực hiện từ 24/8 nhằm thu thập thông tin về hành vi, thói quen của người tiêu dùng đối với phương thức thanh toán này cho thấy, 91,6% người tham gia khảo sát có ít nhất một thẻ tín dụng, trong đó có 12,5% trả lời đang sở hữu đến 4 thẻ.
Từ khi dịch bùng phát tại Việt Nam, 41,3% người trả lời tăng giao dịch qua thẻ tín dụng, chiếm đa số trong tổng lượt khảo sát. Bối cảnh dịch bệnh cũng thúc đẩy nhu cầu sở hữu thẻ tín dụng. Gần 10% người tham gia trả lời đã hoặc đang cân nhắc mở thẻ mới.
Tần suất sử dụng thẻ tín dụng của người tiêu dùng trong dịch tiếp tục ghi nhận sự phân hóa lớn. Gần 70% sử dụng thẻ tín dụng ít nhất một lần một tuần, có đến hơn 18% người sử dụng thẻ tín dụng gần như mỗi ngày. Mục đích chủ yếu dùng thẻ để thanh toán các dịch vụ, tiện ích hàng ngày (gần 83%) như điện, nước, Internet, nạp tiền điện thoại..., mua sắm trực tuyến (chiếm 78%). Kế đến là mua hàng trả góp (gần 55%), mua vé máy bay, tàu xe (49%), đi du lịch hoặc rút tiền mặt giải quyết nhu cầu cấp bách.
Gần 90% người được hỏi cũng trả lời lý do họ ưa chuộng thẻ tín dụng là nhờ tính tiện lợi và linh hoạt khi thanh toán. Quá nửa số người tham gia khảo sát cũng khẳng định phương thức này hỗ trợ tài chính nhanh chóng và hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cộng đồng tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19.
Đáng chú ý, khi được hỏi nếu đăng ký mở thẻ tín dụng mới, người dùng ưu tiên phương thức nào, hơn 71% phiếu trả lời chọn mở thẻ trực tuyến, bên cạnh phương án trực tiếp đến ngân hàng và có nhân viên đến tận nhà hỗ trợ. Thực tế này tiếp tục thể hiện ưu tiên của người dùng trong bối cảnh hiện tại là giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, tăng giao dịch và tương tác online.
Cụ thể, phương thức mở thẻ trực tuyến được người dùng ưa chuộng là nhờ quy trình nhanh, gọn, chỉ mất vài phút điền hồ sơ và đăng ký qua Internet, duyệt hồ sơ, trả kết quả trong ngày. Sau khi hoàn tất phê duyệt hạn mức, thẻ tín dụng được gửi trực tiếp về tận nhà chủ thẻ. Phương thức này đảm bảo chủ thẻ không cần đến quầy giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiết kiệm thời gian, công sức và tăng tính tiện lợi.
Thực tế trong khi thị trường đẩy mạnh phát triển các dòng thẻ với tính năng đa dạng, người dùng vẫn ưa chuộng tính năng hoàn tiền, tặng điểm thưởng, giảm giá trực tiếp khi mua sắm, đặc biệt là mua sắm online. Đáng chú ý, hơn 30% người tham gia khảo sát đề cao thẻ tín dụng có bảo hiểm gian lận thẻ. Ngoài ra, người dùng cũng kỳ vọng ngân hàng miễn, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ người dùng sử dụng thẻ tín dụng.
Kết quả khảo sát có nhiều nét tương đồng với thực tế triển khai trên thị trường thẻ tín dụng những năm qua, đặc biệt từ đầu năm đến nay khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Sự phát triển của các dòng thẻ đa dạng cũng như nhu cầu sở hữu phương thức thanh toán tiện lợi đã thúc đẩy thói quen sử dụng thẻ tín dụng. Nhất là trong bối cảnh tăng cường phòng dịch, các phương thức đăng ký và sử dụng thẻ tín dụng trực tuyến càng được ưa chuộng, tạo cơ hội đẩy mạnh chuyển đổi số trong mảng ngân hàng bán lẻ nói chung và mảng thẻ nói riêng.
Đăng ký và nhận phê duyệt hạn mức thẻ tín dụng VIB chỉ từ 15-30 phút
Tại Việt Nam, VIB là ngân hàng tiên phong ứng dụng thành công Big Data và AI vào duyệt hạn mức thẻ với quy trình diễn ra hoàn toàn trực tuyến, kết quả trả về chỉ sau 15-30 phút hoàn tất đăng ký.
Bà Trần Thu Hương - Giám đốc Chiến lược và Phát triển kinh doanh kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, ngay khi ngân hàng này công bố quy trình mở thẻ tín dụng trực tuyến dành cho dòng thẻ Online Plus, số lượng khách hàng mở mới thẻ tăng mạnh. Hơn 34% thẻ mở mới trong tháng 7 vừa qua (tháng đầu chính thức triển khai phê duyệt hạn mức thẻ hoàn toàn trực tuyến) thuộc về dòng thẻ này, với đa số người mở thẻ là người trẻ, ưa chuộng công nghệ mới và các tính năng hoàn tiền, thanh toán tiện lợi.
Online Plus là dòng thẻ dành riêng cho mua sắm trực tuyến, đáp ứng nhu cầu thanh toán thẻ và tận dụng những ưu đãi của ngân hàng cũng như cộng đồng đối tác nhằm tối ưu chi phí khi mua sắm, đặc biệt trong thời dịch. Ngoài ra đây cũng là dòng thẻ được áp dụng chính sách bảo hiểm giao dịch gian lận thẻ lên đến 105 triệu đồng.
Sắp tới, VIB sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ Big Data và AI vào phê duyệt hạn mức thẻ cho các dòng thẻ khác và mở rộng kênh bán thẻ qua ứng dụng MyVIB.
Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thẻ tín dụng. Với những ưu thế về tính năng, mức độ tiện lợi và an toàn, đồng thời, các ngân hàng phát hành thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ, tổ chức thẻ quốc tế Visa, Master… đã có nhiều chương trình khuyến mại, kích thích chi tiêu an toàn qua kênh Mobile, Internet... giúp thẻ tín dụng ngày càng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, nhu cầu số hóa toàn diện quy trình phát hành thẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức mới với các ngân hàng thương mại, đòi hỏi các nhà băng tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào phát hành thẻ và gia tăng trải nghiệm của người dùng.
Nam Anh