Những năm vừa qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình chuyển đổi số với nhiều kết quả nổi bật trong ứng dụng CNTT. Giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” mà ngành Y tế nhận được mới đây chính là một sự ghi nhận, đánh giá xứng đáng cho những nỗ lực này.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng nổ trên quy mô toàn cầu với những diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường đã tạo ra thách thức cũng như động lực khiến ngành Y tế phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy sự ra đời của hệ thống khám chữa bệnh từ xa – Telehealth – không chỉ là giải pháp mang tính ứng phó với tình hình dịch bệnh. Nhìn rộng hơn đó là một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Y tế mang lại lợi ích thiết thân cho nhiều bên, nhiều đối tượng.

Mặt khác, cũng cần nhìn nhận hệ thống này từ góc độ những đóng góp cho việc đảm bảo an toàn các cơ sở khám chữa bệnh – thành lũy trọng yếu trong cuộc chiến chống Covid-19.

Vậy Telehealth là gì, được triển khai ra sao, có thể mang lại những lợi ích nào, mục tiêu phát triển, mở rộng đến đâu,…? Bên cạnh đó là những nỗ lực, giải pháp của ngành Y để đảm bảo an toàn cơ sở khám chữa bệnh, giúp y bác sĩ cũng như người dân yên tâm.

Những thắc mắc mà người dân rất quan tâm đó sẽ được phần nào giải đáp trong cuộc giao lưu do báo VietNamNet tổ chức với các khách mời:

-        ThS. Bùi Quốc Vương, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng – Chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.

-        PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

{keywords}
 

Những dấu mốc khó quên

- Thưa ông Bùi Quốc Vương, ông có thể chia sẻ với độc giả một số thông tin sơ lược về hệ thống Telehealth: cách thức vận hành, các lĩnh vực được triển khai qua hệ thống này, các ban ngành hợp tác xây dựng, triển khai cùng Bộ Y tế…?

Ông Bùi Quốc Vương: Hệ thống Telehealth do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số bộ ngành khác xây dựng, triển khai. Telehealth bao gồm các bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Trong đó, Bộ Y tế đã chỉ định 26 bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế TPHCM, Sở Y tế Hà Nội tham gia danh sách bệnh viện tuyến trên. Bệnh viện tuyến dưới gồm các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và các bệnh viện khác.

Về cách thức vận hành thì các bệnh viện tuyến trên phối hợp với các công ty viễn thông, các bệnh viện tuyến dưới triển khai các buổi hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh qua mạng. 28 chuyên khoa, chuyên ngành đều có thể thực hiện qua hệ thống này.

 

 

Nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời không phải lên tuyến trên…

- Ngày 01/9/2020, Mẹ con sản phụ Trần Thị T. 30 tuổi là giáo viên ở huyện Ba Đồn, Quảng Bình, được cứu sống kịp thời nhờ thực hiện tốt hội chẩn trực tuyến giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba và Bệnh viện Trung ương Huế thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa - Telehealth. Chị nhập viện khi thai 35 tuần, dọa sinh non, có hội chứng tăng đông máu, nguy cơ tắc mạch máu rất hiếm gặp ở Việt Nam và trên thế giới. Sản phụ đã được Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới báo cáo hội chẩn qua Telehealth với Bệnh viện Trung ương Huế và được cứu sống kịp thời cả mẹ và con.

- Ngày 04/9/2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã cứu sống người bệnh nam T.V.C, 32 tuổi (Bình Liêu, Quảng Ninh) được phẫu thuật trong tình trạng tràn khí màng phổi tái phát do vỡ kén khí màng phổi nhờ sự chỉ đạo trực tuyến của các chuyên gia ngoại khoa của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế (MOH)

 

 

 

-Vậy quá trình triển khai hệ thống Telehealth ra sao, có những dấu mốc quan trọng nào, có thuận lợi, khó khăn gì, tiến độ triển khai có bị ảnh hưởng gì bởi dịch bệnh không thưa ông?

 

Ông Bùi Quốc Vương: Có thể kể đến 3 dấu mốc quan trọng. Ngày 10/4/2020 Bộ Y tế đã có văn bản cho phép Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai thí điểm khám, chữa bệnh từ xa.

Ngày 22/6/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định phê duyệt đề án 2628, Đề án “khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025.

Ngày 25/9/2020, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự Lễ Khánh thành. Về phía Bộ Y tế có GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; các thứ trưởng, lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và hơn 5.000 y, bác sĩ tại các điểm cầu trên cả nước và một điểm cầu tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, một điểm cầu tại Campuchia.

Có thể nói thuận lợi lớn nhất là Đề án được Lãnh đạo chính phủ, Bộ Y tế ủng hộ. Hệ thống này chính là sự tham gia Quyết định chuyển đổi số của Chính Phủ. Ngoài ra không thể không kể đến sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông trong việc xây dựng và vận hành nền tảng công nghệ.

Về khó khăn thì nổi bật là một số vấn đề về pháp lý, chưa có quy định, kinh phí thực hiện đề án.

-Thưa bà Phạm Thị Bích Đào, hệ thống Telehealth đã được triển khai thí điểm từ ngày 18/4 tại bệnhviện Đại học Y Hà Nội, căn cứ hiệu quả mô hình triển khai thí điểm để triển khai mở rộng quy mô tại các tỉnh, thành khác. Là bệnh viện được chọn thí điểm, ban đầu mọi người có lo lắng nhiều không và lo nhất khía cạnh nào?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Khi được chọn là bệnh viện đầu tiên thí điểm, cảm xúc của mọi người đều rất vui mừng, hồi hộp nhưng cũng kèm theo nhiều lo lắng. Đó là thời gian triển khai chỉ có 1 tuần, nhưng đây là một hình thức cung cấp dịch vụ y tế còn mới ở nước ta, ứng dụng nền tảng CNTT vào y tế nên bệnh viện cần phải chọn loại hình tiếp cận cho phù hợp.

Do đó, bệnh viện phải gấp rút chuẩn bị các thiết bị cần thiết, phối hợp với Tập đoàn Viettel kết nối hệ thống giữa các bệnh viện tham gia.

Trước và trong quá trình triển khai thí điểm, chúng tôi đã tham khảo và học hỏi mô hình của một số nước có nền Y học tiên tiến như Mỹ, Nhật, Thụy Điển.

{keywords}

Triển khai Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: SK&ĐS

- Hiện Bệnh viện có lịch cố định cho hính thức khám chữa bệnh từ xa không và được sắp xếp ra sao?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Đến nay, Bệnh viện hội chẩn với các bệnh viện tuyến dưới lịch cố định vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Bệnh viện hội chẩn cấp cứu, hội chẩn RAD hàng ngày. Bệnh viện triển khai phòng khám từ xa để hội chẩn hàng ngày.

-Trước khi thí điểm hệ thống này, Bệnh viện có kinh nghiệm triển khai các mô hình khám chữa bệnh tương tự không, thưa bà?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Có. Nhận thấy nhu cầu khám, điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch rất lớn, bệnh nhân không di chuyển được nên Bệnh viện đã và đang triển khai đào tạo cho bệnh viện vệ tinh một số kĩ thuật. Chẳng hạn như thực hiện đọc điện tim bằng hệ thống kết nối điện tim đồ, v.v…

 

 

 

Bác sĩ Đại học Y Hà Nội siêu âm tim từ xa cho bệnh nhân

Siêu âm tim là một kĩ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân đang ở một nơi khác.

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng khám chữa bệnh từ xa. Hiện nay, tại BV Đại học Y Hà Nội mỗi tuần thực hiện 2 buổi hội chẩn trực tuyến với y tế cơ sở, với 10 bệnh nhân mỗi buổi.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho rằng khám chữa bệnh từ xa ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh, đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 ở miền Trung, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy hiệu quả tuyệt vời để các bác sĩ nắm bắt thông tin về bệnh nhân nặng, đưa ra hội chẩn điều trị tốt nhất.

"Các ứng dụng Telemedicine, Telehealth, Tele-ICU, mới nhất là trợ lý sức khỏe Ourhealth hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến Trung ương có thể hội chẩn bệnh nhân, thậm chí siêu âm tim, đọc kết quả từ xa... để hội chẩn"- PGS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh.

Ví dụ như siêu âm tim, một kĩ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân đang ở một nơi khác. Với đầu dò nhỏ, phát sóng wifi, người cầm đầu dò là kỹ thuật viên. Các thông số hiển thị ngay tức thì cho phép bác sĩ đang ở tại viện nắm bắt kết quả để đưa ra đánh giá.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh sự hỗ trợ của công nghệ tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển. "Con số bệnh nhân không lớn, nhưng rất có ý nghĩa nâng cao vai trò của bệnh viện vệ tinh, người dân tin tưởng hơn khi có bác sĩ tuyến đầu hỗ trợ. Đây cũng là phương pháp để đào tạo, hướng dẫn cho bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa"- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.

Nhờ kho dữ liệu khổng lồ, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi bệnh nhân sau điều trị, tổng kết đánh giá tác dụng điều trị, tác dụng phụ, tránh tác dụng không mong muốn trong sự phối hợp các phương pháp điều trị, phối hợp các loại thuốc với nhau. Đặc biệt, chúng ta sẽ có thể tối ưu hóa phương pháp điều trị dựa trên dữ liệu.

Nguồn: Báo Lao động

 

 

 

 -Thưa ông Vương, hiện đã có bao nhiêu bệnh viện, bao nhiêu tỉnh được kết nối trong hệ thống Telehealth? Ông có thể ví dụ những điểm mà hệ thống này “vươn” được xa nhất?

 

Ông Bùi Quốc Vương: Hiện đã có hơn 1.000 bệnh viện được kết nối trên 63 tỉnh thành. Trong đó bao gồm các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, hải đảo được kết nối tại các địa phương như Mường Ảng, Cô Tô, Côn Đảo, v.v...

- Thưa bà Đào, những nền tảng công nghệ sẵn có nào của Bệnh viện được tích hợp, hỗ trợ cho việc triển khai hệ thống này?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Hiện tại Bệnh viện đang sử dụng nền tảng CNTT như HIS, LIS.

Trong đó, HIS (Hospital Information System) là hệ thống thông tin bệnh viện, phục vụ công tác quản lý, điều hành tại Bệnh viện với các chức năng chính: quản lý thông tin bệnh nhân và bệnh sử; quản lý bệnh nhân đến khám và điều trị nội và ngoại trú, quản lý bệnh án, dược, tài chính, viện phí, trang thiết bị vật tư y tế, nhân sự... 

LIS là hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm được thiết kế giúp các phòng khám, bệnh viện quản lý hiệu quả các hoạt động xét nghiệm, có thể cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng khác như theo dõi tình hình hoạt động của phòng xét nghiệm từ xa, trả kết quả xét nghiệm qua LAN, Internet, Web, SMS, Email, App…

Ngoài ra Bệnh viện cũng được Bộ Y tế đồng ý triển khai thí điểm hệ thống chẩn đoán hình ảnh PACS (Picture Archiving and Communication System). Đây là hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh có nhiệm vụ quản lý công tác lưu trữ, truyền và nhận hình ảnh trên mạng thông tin máy tính của Khoa chẩn đoán hình ảnh hoặc của Bệnh viện.

Bệnh viện cũng đang trong quá trình thực hiện Bệnh án điện tử (EMR). Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đưa vào triển khai từ tháng 3/2019. Đây là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương bệnh án giấy quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

- Thưa bà, quá trình thí điểm, Bệnh viện gặp những thuận lợi, khó khăn nào? Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai không?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Tương tự như ông Vương đã đề cập, có thể nói trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bệnh viện nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Chính Phủ, Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành khác và sự hỗ trợ đến từ Tập đoàn Viettel. Cùng với đó là sự nhiệt huyết, đồng lòng nhất trí của Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội, Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng toàn thể cán bộ nhân viên Bệnh viện.

Còn về khó khăn, chúng tôi triển khai hệ thống này trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, đang thực hiện giãn cách xã hội. Đây là một thách thức không nhỏ. Ngoài ra hệ thống công nghệ thông tin ở các tỉnh chưa được đầu tư, các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế vẫn còn lạc hậu, thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết.

- Xin bà cho biết, đến nay Bệnh viện đã triển khai được các lĩnh vực nào thông qua hệ thống này? Hiện hệ thống đã được phát triển, mở rộng ra sao? Đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện tham gia hoạt động khám chữa bệnh Telehealth? Hiện Bệnh viện hỗ trợ cho hệ thống bao nhiêu cơ sở y tế tuyến dưới? Điểm kết nối xa nhất là ở đâu?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Bệnh viện đã triển khai tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh từ xa, TELERAD (hệ thống phần mềm chẩn đoán hình ảnh từ xa), TELEICE, Phòng khám chữa bệnh từ xa

Tổng số bác sĩ tham gia hội chẩn là 99 người, bao gồm 32 Giáo sư, Phó Giáo sư; 35 Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II; 31 Thạc sĩ.

Bệnh viện đã hỗ trợ được 175 cơ sở y tế tuyến dưới và 3 bệnh viện nước ngoài. Hiện điểm kết nối xa nhất tại Việt Nam là ở Đắk Nông.

{keywords}
Với Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức hội chẩn để tư vấn một ca phẫu thuật với hệ thống kỹ thuật 3D. Ảnh: SK&ĐS

Lợi ích kép cho cả bệnh nhân, bệnh viện và bác sĩ

- Theo ông, bà, Telehealth mang lại những lợi ích gì cho bác sĩ, bệnh viện, bệnh nhân?

Ông Bùi Quốc Vương: Như Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thành Long đã nói trong buổi Lễ Khánh thành ngày 25/9, quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã lựa chọn thông điệp chủ đạo của Đề án là “Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Với thông điệp này, Đề án không đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành Y tế mà đề án có tính nhân văn sâu sắc.

Điều này thể hiện rõ trong mục Mục tiêu của Đề án là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Ở đây tôi muốn nói kỹ hơn về lợi ích của hệ thống này với bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới. Đó là giúp: Giải quyết được chẩn đoán, điều trị với bệnh nhân khó; Có cơ hội học tập trên các ca bệnh cụ thể; Nâng cao uy tín cho cán bộ, bệnh viện tuyến dưới; Giữ được bệnh nhân điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, hạn chế chuyển lên tuyến trên.

Việc thường xuyên hội chẩn liên viện, phụ giúp khám, chữa bệnh sẽ giúp trình độ bác sĩ các vùng miền tương đồng. Cũng từ đây các chương trình đào tạo từ xa sẽ được xây dựng, tổ chức thực hiện.

Bà Phạm Thị Bích Đào: Quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy hệ thống này đem lại nhiều lợi ích.

Về phía bệnh viện, đội ngũ y tế, Telehealth giúp cho bác sĩ tự tin hơn, nâng cao kiến thức cũng như sợ chia sẻ với đồng nghiệp, với người bệnh và xã hội; Nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở đặc biệt là tuyến huyện; Tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thực hiện chuyển tuyến đúng về chuyên môn và an toàn người bệnh; Nâng cao uy tín của Bệnh viện, trách nhiệm cũng như giảm quá tải.

Đối với bệnh nhân, hệ thống giúp người bệnh tiếp cận được dịch vụ y tế tốt hơn, thuận tiện hơn và giảm chi phí; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo sự công bằng trong nhu cầu khám chữa bệnh: người dân vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận với các phương pháp khám chữa bệnh hiện đại và thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao.

- Một vấn đề chắc chắn các bệnh viện cũng như người dân đều quan tâm đó là hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán thông qua quỹ BHYT đối với hình thức khám chữa bệnh này ra sao? Hiện còn vướng mắc ở điểm nào không?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Hiện nay chưa có quy định chi tiết về chi phí khám chữa bệnh do có ca bệnh chỉ cần 1 bác sĩ, nhưng có nhiều ca bệnh cần đến 5 bác sĩ. Mặt khác, chưa có luật pháp chặt chẽ, cụ thể nên Bảo hiểm Y tế chưa ban hành được quy định cụ thể.

- Thưa ông Vương, Ngành Y tế đã xây dựng các quy định, hướng dẫn nào kèm theo để việc triển khai được thuận lợi?

Ông Bùi Quốc Vương: Trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án. Đó là Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa; Sách vàng 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa…

Chẳng hạn, trong Quy trình Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa quy định rõ 8 bước tiến hành, đó là: Bước 1. Xác định nhu cầu tổ chức hội chẩn từ xa; Bước 2. Đăng ký tổ chức hội chẩn; Bước 3. Tiếp nhận thông tin; Bước 4. Xếp lịch, mời hội chẩn; Bước 5. Thông báo và kích hoạt các đầu cầu; Bước 6. Tổ chức họp hội chẩn; Bước 7. Kết luận hội chẩn; Bước 8. Báo cáo diễn biến các ca bệnh.

Chẳng hạn, hướng dẫn bảo mật thông tin có quy định: “Thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định”.

{keywords}

Các đại biểu đặt tay phải lên để bấm nút khánh thành 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. 

Những ca bệnh được cứu sống ngoạn mục

- Thưa bà Đào, xin bà chia sẻ một số câu chuyện cụ thể, những ca bệnh đáng nhớ, tạo nên dấu ấn trong quá trình bệnh viện triển khai hệ thống Telehealth?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Có ca bệnh nặng, nhưng bệnh nhân ở xa, không di chuyển được, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hướng dẫn trực tiếp cho bác sĩ bệnh viện tuyến dưới điều trị thành công cho bệnh nhân, thu được kết quả ngoài mong đợi.

Chẳng hạn trường hợp một cụ ông ngoài 70 tuổi được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) cấp cứu trong tình trạng viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi, rất nguy kịch nếu không được hút dịch mủ ra bên ngoài.

Bệnh viện huyện miền núi này chưa từng thực hiện kỹ thuật khó này. Trong khi đó, nếu chuyển bệnh nhân xuống Hà Nội điều trị, nguy cơ gặp biến chứng rất lớn. Do đó Bệnh viện Đa khoa Mường Khương đã nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua Telehealth.

Nhận thấy đây là ca bệnh có thể điều trị ngay tại địa phương, các bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hội chẩn, đưa ra phương pháp điều trị, đồng thời trực tiếp hướng dẫn, theo dõi các bác sĩ ở Mường Khương thực hiện kỹ thuật mở màng phổi hút dịch mủ ra ngoài qua hệ thống Telehealth. Đáng mừng là các bác sĩ ở Mường Khương đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trên.

Hoặc có trường hợp, sau khi hội chẩn từ xa ca bệnh nặng với bệnh viện tuyến dưới, Bệnh viện đã cử đoàn công tác xuống trực tiếp tại bệnh viện để điều trị, phẫu thuật dẫn lưu não thất, cứu sống được bệnh nhân.

Đó là ca bệnh ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc trong tình trạng hôn mê không xác định rõ nguyên nhân. Khi tiến hành hội chẩn và trực tiếp theo dõi ca bệnh qua "màn hình", các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã quan sát thấy tình trạng tăng áp lực nội sọ do sán não.

Do tình hình bệnh nhân nguy cấp trong khi Bệnh viện Đa khoa Ngọc Lặc chưa bao giờ thực hiện ca mổ não cho bệnh nhân nên ngay trong đêm, một kíp cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã vượt hơn 100 km đến Ngọc Lặc để thực hiện đặt dẫn lưu não thất, sau đó tiến hành điều trị sán. Nhờ tìm được nguyên nhân và sự có mặt kịp thời của các bác sĩ tuyến, bệnh nhân đã được cứu sống, không để lại di chứng.

- Về lâu dài, việc phát triển hệ thống Telehealth còn cần những điều kiện gì về nhiều mặt như công nghệ, chính sách, sự tham gia của các bệnh viện, các địa phương… để giúp nó tối ưu hơn, thưa bà?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Theo tôi có một số vấn đề cần giải quyết, đó là:

Thứ nhất, cần phải có chủ trương nhất quán từ Chính Phủ, Bộ Y tế, các cơ quan ban ngành.

Thứ 2, cần có những quy định hướng dẫn cụ thể, phải có kinh phí để triển khai và duy trì.

Thứ 3, cần đào tạo nhân lực y tế thành đội ngũ chuyên nghiệp đồng bộ.

Thứ 4, chuẩn hóa quy trình Khám chữa bệnh từ xa; tạo hành lang pháp lý, cơ chế tài chính phù hợp.

Thứ 5, việc chi trả BHYT cho bệnh nhân cần rõ ràng để tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, đồng thời bảo vệ quỹ BHYT, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

- Ngoài câu chuyện về Telehealth, trong cuộc giao lưu này chúng tôi cũng muốn bàn thêm về vấn đề Bệnh viện an toàn phòng chống dịch. Được biết vừa qua Ngành Y tế đã xây dựng “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp”. Vậy tình hình triển khai thực hiện tại Bệnh viện có khó khăn, vướng mắc gì không? Việc đánh giá kết quả thực hiện các hướng dẫn được tiến hành ra sao?

Bà Phạm Thị Bích Đào: Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bệnh viện đã khẩn trương đầu tư, lắp đặt trang thiết bị, thực hiện theo đúng hướng dẫn và yêu cầu của Bộ Y tế. Một số vướng mắc lớn nhất khi thực hiện như nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong đợt dịch vẫn rất cao nên việc tiếp đón, phân luồng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên bệnh viện cũng đã khắc phục được tình trạng trên để đáp ứng tốt nhất cho người bệnh.

Sau khi Bộ Y tế ban hành “Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid”, Bệnh viện đã rà soát và thực hiện theo đúng hướng dẫn, yêu cầu. Bệnh viện cũng đã thành lập Tổ Kiểm tra tại Bệnh viện để tự đánh giá, chấm điểm.

Bộ Y tế đã cử đoàn kiểm tra đến Bệnh viện để đánh giá Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid, tổng số điểm bệnh viện đạt được sau đánh giá là 125/150 điểm (đạt 83,3%), phân loại Bệnh viện an toàn.

Thưa quý vị độc giả, trong giới hạn thời gian một cuộc giao lưu, các khách mời đã chia sẻ những thông tin căn bản và rất hữu ích về hệ thống Telehealth cũng như vấn đề đảm bảo an toàn các cơ sở khám chữa bệnh. Buổi giao lưu đến đây xin khép lại. Trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các khách mời và sự lắng nghe của quý độc giả.

VietNamNet (thực hiện)

 

 

 


CEO Viettel Solutions: Telehealth sẽ được tối ưu hóa để ai cũng có thể sử dụng được

Hiện tại, Telehealth đã được tập đoàn Viettel triển khai đến hơn 1.100 cơ sở y tế trên toàn quốc. Hệ thống này sẽ tiếp tục được tối ưu, đơn giản hóa để ai cũng có thể sử dụng, vận hành được.

Chỉ trong vòng 45 ngày, tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn I của đề án Khám chữa bệnh từ xa đến hơn 1.100 cơ sở y tế trên cả nước.

Từ những bệnh viện hạng đặc biệt cho đến các cơ sở y tế tại Mường Nhé, Cô Tô, Côn Đảo, tất cả đều có thể kết nối với nhau trong các buổi hội chẩn trực tuyến. Chất lượng đường truyền, âm thanh, đặc biệt là các tính năng chuyên biệt dành riêng cho ngành y tế đã được các kỹ sư ở Viettel Solutions đảm bảo tốt giúp các buổi hội chẩn, hỗ trợ phẫu thuật các ca bệnh phức tạp từ xa diễn ra thành công.

Con đường phát triển mạnh mẽ của Telehealth đã có những bước khởi đầu ngoạn mục. Trong tương lai, để phát huy thế mạnh của nền tảng công nghệ này, những việc VTS cần làm là gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng giám đốc Viettel Solutions, cho biết chủ trương của Bộ Y tế là triển khai hệ thống hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc. Số lượng các cơ sở y tế cần triển khai là 14.000. Đó sẽ là đích đến tiếp theo của Telehealth.

PV: Là một nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng công nghệ, ông có thể mô tả bức tranh tương lai của Telehealth ở Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Trong tương lai, chúng tôi sẽ tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống Telehealth để phát huy năng lực chẩn đoán hình ảnh. Công nghệ này sẽ hỗ trợ các bác sĩ tăng tốc độ chẩn đoán hình ảnh và xem xét kỹ các trường hợp khó. Nhiều tổ chức, công ty trên thế giới và Việt Nam cũng đã nghiên cứu về việc ứng dụng AI vào chẩn đoán hình ảnh trong ngành y tế. Việt Nam cũng có thể tiếp cận công nghệ này và có trình độ tương đương với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, AI đòi hỏi phải có đủ số lượng ảnh, mẫu xét nghiệm để học và hoàn thiện. Về vấn đề này, chúng ta cần vài tháng để làm được điều đó.

Ngoài ra, Telehealth sẽ được kết hợp với các nền tảng khác như hệ thống quản lý truyền hình ảnh, backup Cloud (Dịch vụ sao lưu dữ liệu). Đồng thời, VTS còn hướng đến việc phát triển các thiết bị cá nhân như máy cầm tay, đeo tay hoặc thiết bị dùng trong gia đình cho phép bác sĩ có thể nắm bắt được nhiều thông tin về lâm sàng của người bệnh hơn mà không cần đến gặp trực tiếp.

Còn nhiều hướng khác để phát triển hệ thống Telehealth, nhưng về cơ bản là nền tảng này sẽ cho phép các nhà phát triển ứng dụng ra mắt các sản phẩm khác nhau để cung cấp các công cụ hoàn chỉnh cho bác sĩ, bệnh nhân và người dân.

PV: Yếu tố nào sẽ giúp Telehealth có thể trở thành dịch vụ quen thuộc trong đời sống?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Đứng về góc độ người dùng, sản phẩm này cần được xây dựng dựa trên tiêu chí tối ưu việc đơn giản hóa để ai cũng có thể sử dụng, vận hành được.

Nhìn về góc độ chính sách, muốn Telehealth phát triển, các cơ chế của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế cần được ban hành sớm. Khi phát huy được sự liên hoàn giữa cơ chế khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế thì nền tảng này sẽ có tương lai rộng, đi vào cuộc sống của từng người dân.

PV: Các kỹ sư của VTS đã, đang và sẽ làm gì để chuyển giao công nghệ đến các bệnh viện, bác sĩ?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Quá trình chuyển giao chắc chắn sẽ được tiến hành. Bởi khi số lượng bệnh viện kết nối qua hệ thống lớn, VTS không thể vận hành thay cho các nhân viên y tế như thời điểm chỉ có một vài điểm cầu. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho tiến trình này bằng cách thành lập Trung tâm vận hành Telehealth. Trung tâm này sẽ phụ trách 2 nhóm việc: Hỗ trợ các bệnh viện mới kết nối vào hệ thống, giúp các bệnh viện cũ vận hành hệ thống và xử lý nếu xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng các quy trình từ vận hành, thiết lập buổi hội chẩn trực tuyến… để đẩy nhanh quá trình chuyển giao cho từng bệnh viện, tiến tới việc các cơ sở y tế tự làm chủ hệ thống. Viettel đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, vì vậy, tôi hy vọng quá trình chuyển giao sẽ trơn tru và sớm kết thúc.

PV: Có thể thấy, các bệnh viện đang sử dụng hệ thống Telehealth của VTS cung cấp đều cảm thấy hài lòng. Làm thế nào để các kỹ sư của Viettel có thể hiểu điều bác sĩ muốn và cung cấp đúng những gì mà bác sĩ cần?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Thứ nhất, muốn phát triển bất cứ hệ thống nào để có thể ứng dụng vào thực tế, chắc chắn, điều đầu tiên VTS cũng như các đơn vị khác phải tìm hiểu các mô hình ở nước ngoài. Telehealth cũng tương tự. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hiểu thêm các kiến thức về Telemedicine.

Thứ 2, chúng tôi xây dựng mối quan hệ, mạng lưới tương đối tốt với nhiều bác sĩ đầu ngành. Đó là những chuyên gia cung cấp những yêu cầu và hỗ trợ Viettel trong việc phát triển sản phẩm.

Thứ 3, Viettel phải tăng cường làm việc với các nhà quản lý y tế bao gồm giám đốc, ban lãnh đạo các bệnh viện ở các mô hình khác nhau cũng như các chuyên gia của Bộ Y tế để hiểu đúng và phát triển nhanh các yêu cầu và đưa vào áp dụng thực tế. Yêu cầu nóng nhất, hiệu quả nhất thì đưa vào trước. Đó là cách chúng tôi đang làm.

PV: Để Telehealth trở thành “cánh tay thứ 3” của bác sĩ thì hệ thống này cần hoàn thiện thêm những điểm gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Đầu tiên, bác sĩ khám chữa bệnh thông qua Telehealth cũng cần được bảo vệ theo chính sách của Bộ Y tế giống như các bác sĩ đang thăm khám trực tiếp.

Về góc độ công nghệ, khi bác sĩ khám cho bệnh nhân họ sử dụng nhiều giác quan, kỹ thuật khác nhau như nghe, nhìn, sờ. Vì vậy, để đáp ứng được điều này, các thiết bị hỗ trợ từ xa cho bác sĩ cần tiếp tục hoàn thiện.

Ví dụ, bác sĩ nhìn từ xa cũng phải giống như đang nhìn trực tiếp, muốn làm được điều đó thì mức độ hiển thị phải rõ ràng, trực quan nhất. Các thiết bị thăm khám cung cấp chỉ số của bệnh nhân cũng cần hoàn thiện hơn về độ chính xác. Với các lĩnh vực liên quan xét nghiệm, bài toán đặt ra là làm thế nào có thể xét nghiệm chính xác từ xa.

Khi giải quyết được các vấn đề này trôi chảy, cơ bản các bác sĩ sẽ có “cánh tay thứ 3”.

PV: Việc kết nối với các chuyên gia nước ngoài để tham vấn ý kiến đối với các ca bệnh khó đồng thời nâng cao trình độ của bác sĩ Việt Nam có gặp khó khăn khi sử dụng Telehealth?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Về việc này, các bệnh viện không gặp vấn đề gì lớn về mặt kỹ thuật. Chúng tôi cung cấp nền tảng cho phép các bác sĩ ngồi tại các nơi khác nhau đều có thể trao đổi, hội chẩn chuyên môn. Toàn bộ kết nối trong hệ thống Telehealth đều không có vấn đề, đều đáp ứng đủ tiêu chuẩn để kết nối với các cơ sở y tế trên thế giới.

Việc kết nối với các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài chỉ phụ thuộc vào vấn đề quy trình phối hợp và thời gian. Đó là quy trình chuẩn bị trao đổi thông tin giữa các đối tác, sự kết hợp giữa các bệnh viện với nhau.

PV: Đại dịch Covid-19 là cú hích giúp Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới đẩy nhanh quá trình phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa.Tuy nhiên, để có thể xây dựng hệ thống với quy mô lớn, bài bản, đồng bộ trong thời gian ngắn như vừa qua, chắc chắn VTS đã có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị lâu dài trước đó?

Ông Nguyễn Mạnh Hổ: Khi Telehealth phát triển, được triển khai đầy đủ các tính năng thì số lượng người dùng, bệnh nhân sẽ thực sự rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm xử lý công việc trong thời gian ngắn. Trong khoảng 2 tháng để thiết lập được hơn 1.000 điểm cầu, chúng tôi cần có sự chuẩn bị chi tiết, kế hoạch bài bản và tận dụng sức mạnh của Viettel ở tất cả các chi nhánh trên toàn quốc. Nếu không có những điều đó thì chúng tôi không làm được. Đây cũng là ưu điểm mà Viettel đã có sẵn.

Ngoài ra, để thành công, chúng tôi phải song hành với các đối tác có nền tảng tốt. Ví dụ, với hệ thống liên quan đến video conference chúng tôi phải tìm các đối tác hàng đầu như Cisco hay Polycom. Việc tìm kiếm đối tác tốt nhất giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và đảm bảo khả năng thành công.

Nguồn: VietNamNet