Không thể phủ nhận rằng năm 2021 đã tạo ra những thay đổi rất lớn trong đời sống của mỗi chúng ta vì đại dịch Covid-19.
Chưa bao giờ, mỗi người trong xã hội hiện đại lại phải học cách trở về với đời sống nội tâm của mình, hiểu thêm những giá trị yêu thương trong gia đình và người thân yêu nhiều đến mức như vậy. Hãy cùng điểm qua những thay đổi mà Covid-19 đem đến cho mỗi chúng ta nhé.
1. Bài học về khả năng thích nghi, bình tĩnh vượt qua đại dịch
Đợt giãn cách lần này ở TP.HCM và các tỉnh đang đặt chúng ta vào những tình huống đầy thử thách, nhưng đó cũng là dịp để bản thân học cách thích nghi, thay đổi theo mọi thứ và hài lòng với những gì có thể.
Có thể khẳng định đây là một giai đoạn cuộc đời mà ở đó mỗi người chúng ta tích lũy được bản lĩnh, sự lạc quan và năng lượng tích cực.
Nếu nhìn nhận ở góc độ tích cực, những ngày giãn cách xã hội đều có giá trị riêng của nó. Dù rằng ta không hề mong muốn những việc không hay xảy đến bởi lẽ không ai muốn đặt bản thân và những người yêu thương vào hoàn cảnh khốc liệt.
Nhưng, nếu thật sự đã không ngăn chặn được thì ta hãy bình thản đón nhận, đương đầu với nó, hoặc đơn giản xem đó là thử thách để hoàn thiện bản thân. Thay vì âu lo hoặc buồn chúng ta có thể chiến thắng được dịch bệnh nếu sống có ý chí, trách nhiệm, lạc quan, tích cực để truyền cảm hứng cho mình và người khác.
2. Bài học về sự tiết kiệm, trân quý những điều thường nhật
Đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về việc tiết kiệm. Mỗi cá nhân và gia đình phải tập cho mình thói quen tích lũy để phòng khi cần dùng đến.
Trong tâm dịch, chúng ta sẽ vô cùng khốn khó nếu như “kiếm được đồng nào, xào luôn đồng đó” mà không hề có thêm một khoản dự phòng nào cho đời sống. Một bài học tuy đắt giá, nhưng chắc chắn sẽ khiến chúng ta sống tốt, biết học cách chi tiêu hơn trong tương lai.
Bên cạnh đó, chúng ta biết trân trọng mọi thứ, tránh lãng phí dù là điều nhỏ nhất trong cuộc sống. Nếu như trước đây, bạn có thói quen gọi nhiều món ăn rồi chỉ nhúng đũa vào cho có lệ thì giờ tình trạng khan hiếm thực phẩm khiến chúng ta biết xót ruột trước một đĩa thức ăn bị bỏ thừa, học cách cân đo để tiết kiệm nhất khi chế biến. Sự trân trọng thực phẩm hằng ngày sẽ khiến chúng ta biết cách mua sắm cũng như chế biến thực phẩm hợp lý hơn.
3. Bài học về sự sẻ chia, lan tỏa yêu thương
Đại dịch Covid-19 là dịp để mỗi chúng ta hiểu thêm ý nghĩa của sự sẻ chia. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ khi bản thân lo lắng quá mức về đại dịch, một số cá nhân đã ra sức tích trữ khẩu trang, thuốc chữa triệu chứng Covid-19, thậm chí cả bình oxy, máy thở….
Cũng chính điều này đã khiến các loại mặt hàng thiết yếu ấy trở nên khan hiếm, gây khó khăn cho cộng đồng. Từ thực tế ấy, chúng ta nhận ra vì sự ích kỷ của bản thân mà rất nhiều người đã bị ảnh hưởng tiêu cực.
Việc chúng ta suy nghĩ cho người khác cũng chính là nghĩ đến chính mình bởi vì nếu dịch bệnh càng lan rộng, không ai trong chúng ta có thể là người ngoài cuộc.
Trong tâm dịch, đã có biết bao sự hi sinh khiến chúng ta ngưỡng mộ và thầm khâm phục. Hẳn chúng ta sẽ nhớ mãi hình ảnh các bác sĩ và cán bộ y tế từ khắp mọi miền đất nước đổ về giúp Sài Gòn chống dịch.
Rồi những đoàn xe được chuyên chở hàng hóa ngày đêm, những tình nguyện viên sẵn sàng vượt khó để trợ giúp mọi người trong thời kỳ dịch bệnh. Tất cả những hành động nghĩa cử ấy đã làm dịu đi không khí căng thẳng, lo âu vì dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta thấu hiểu thêm ý nghĩa về sự sẻ chia và lan tỏa tình yêu thương.
Thi thoảng, chứng kiến biết bao câu chuyện mùa dịch bệnh, tôi lại nghĩ đến một triết lý sống của Marie Curie: “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống để làm vơi bớt mọi nỗi sợ hãi”.
Dịch bệnh Covid-19 là dịp để chúng ta hiểu thêm về cuộc sống, nhận ra những giá trị tốt đẹp và tích cực nhất chung quanh mình.
Độc giả Trí Ninh
Hẹn nhau khi hết dịch: Ta sẽ làm gì đầu tiên?
Sài Gòn đang đau lòng quá... Cả ngàn ca nhiễm mỗi ngày, còn tôi đang ngồi im trong nhà, làm việc online hơn 60 ngày rồi. Bao giờ hết dịch để được hẹn hò nhau? Và hết dịch rồi, ta sẽ làm gì?