Cốc Cốc đã có những chiến lược thay đổi linh hoạt để khéo léo ứng biến với đại dịch Covid-19 trong năm đầu tiên. Vậy trong năm 2021, Cốc Cốc đã chuẩn bị kịch bản gì cho năm Covid-19 thứ 2 khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp?
Chúng tôi đã lên kế hoạch cho kịch bản Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp từ trước. Tất nhiên đại dịch này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, nhưng ở khía cạnh khác nó lại là nhân tố thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trên thế giới và cả Việt Nam. Covid-19 cũng thúc đẩy thương mại điện tử, kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn. Một thống kê của Mỹ trong năm 2020 đã cho thấy, nhờ Covid-19, thương mại điện tử tăng trưởng bằng 10 năm trước cộng lại. Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam còn nhanh hơn con số trên vì chúng ta tham gia vào lĩnh vực này chưa mạnh mẽ như các nước phát triển.
Theo thống kê từ Công cụ tìm kiếm của Cốc Cốc, có tới hơn 90% người dùng sử dụng các từ khóa về mua sắm online. Điều đó có nghĩa là khi dịch bệnh diễn ra, lượng người dân Việt Nam sử dụng thương mại điện tử tăng đột biến.
Hiện nay, Covid-19 cũng tác động mạnh đến lĩnh vực y tế và giáo dục. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và Chính phủ ban hành chỉ thị giãn cách xã hội, các ngành này đều phải chuyển sang môi trường trực tuyến.
Cốc Cốc đang nỗ lực sử dụng những sản phẩm và tính năng của mình để giúp người sử dụng Internet Việt Nam có thể chuyển lên môi trường online với trải nghiệm tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng đưa ra một số dịch vụ hỗ trợ người dùng như thông tin về dịch bệnh, hay học tập…
Như ông vừa nói có tới hơn 90% người dùng search về thương mại điện tử. Vậy công cụ của Cốc Cốc đã hỗ trợ người dùng như thế nào để họ có thể dễ dàng tiếp cận nhu cầu tìm kiếm?
Chúng tôi sử dụng các thuật toán tìm kiếm tối ưu cho những trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng hợp tác với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada… Những trang này sẽ chia sẻ thông tin của họ và chúng tôi có thể tối ưu kết quả search của những người dùng Việt Nam, đem đến kết quả chính xác và phù hợp nhất hỗ trợ người dùng. Ngoài ra, chúng tôi còn giúp người dùng có thể so sánh giá sản phẩm nhằm tối ưu quyền lợi. Đây là cách làm mang tính địa phương hóa mà các công cụ search toàn cầu không làm được.
Tuy nhiên, để cạnh tranh được thì dịch vụ phải đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Chúng tôi bắt đầu ra mắt công cụ search và trình duyệt từ năm 2013. Lúc đó, sản phẩm của chúng tôi có trải nghiệm tốt và đúng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.
Cốc Cốc đang phải đấu đối thủ rất lớn như Google. Vậy trong cuộc đua đó, những trình duyệt và search nội địa có lợi thế gì để cạnh tranh hay không?
Đúng là rất khó để cạnh tranh được với những đối thủ lớn như Google. Nhưng Google tập trung nhiều cho 10 thị trường phát triển, còn chúng tôi chỉ tập trung cung cấp dịch vụ cho thị trường Việt Nam. Ví dụ như cũng là kết quả đá bóng thì Cốc Cốc tập trung vào những nội dung trong nước như V-League. Chúng tôi là công cụ search bản địa nên hiểu ngôn ngữ tiếng Việt tốt hơn Google và tập trung phục vụ người dùng Việt Nam.
Một mặt khác, cũng với lợi thế này, chúng tôi tự tin đồng hành với đối tác là các doanh nghiệp tại Việt Nam. Với đội ngũ chăm sóc khách hàng thấu hiểu nhu cầu bản địa, Cốc Cốc có thể tiếp cận để cung cấp giải pháp đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho đến doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines,… Chúng tôi làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp này, tư vấn các dự án cho họ nên làm như thế nào để quảng bá sản phẩm của mình tốt nhất qua các hình thức dễ tiếp cận khách hàng. Đây là điều mà các công ty lớn như Google không làm được.
Trên thế giới có nhiều công ty làm về công cụ tìm kiếm, nhưng rất hiếm có công ty nào lại vừa làm tìm kiếm vừa có trình duyệt ngoài Trung Quốc và Nga. Microsoft vừa có công cụ tìm kiếm vừa có trình duyệt. Thế nhưng, thị phần mảng dịch vụ này của Microsoft tại Mỹ cũng tương đương với thị phần của Cốc Cốc tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, phát triển các nền tảng, giải pháp “Make in Vietnam” là mục tiêu trọng tâm Chính phủ đang muốn hướng tới theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong lĩnh vực trình duyệt và công cụ tìm kiếm, Cốc Cốc chính là sản phẩm, giải pháp “Make in Vietnam” phù hợp mà người dùng có thể sử dụng.
Chúng tôi vẫn nỗ lực cạnh tranh với Google bằng lợi thế riêng, nhằm đem lại giá trị tốt nhất cho người dùng Việt. Tôi tin rằng những nỗ lực đó sẽ sớm đạt được mục tiêu và có nhiều thành tựu đáng mong chờ hơn nữa nếu có sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam. Giống như ở Châu Âu, người dùng khi mua smartphone sử dụng nền tảng Android, sẽ có quyền được lựa chọn trình duyệt và công cụ tìm kiếm chứ không bị bắt buộc phải dùng sản phẩm của Google. Đây chính là động thái hỗ trợ doanh nghiệp nội địa và chống độc quyền của Liên minh châu Âu.
Theo ông, Covid-19 đã tạo ra “cú huých” như thế nào cho chương trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số nội địa nói riêng?
Trong thách thức có cơ hội và Covid-19 chính là cú hích cho chuyển đổi số. Khi giãn cách xã hội thì người dân dùng nhiều các công nghệ không tiếp xúc và làm việc online tại nhà. Rất nhiều dịch vụ như chứng thực điện tử, ngân hàng số, thương mại điện tử phát triển rất mạnh thời gian qua. Đây chính là động lực cho xã hội số, kinh tế số của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch chằng hạn, chúng tôi có chính sách hỗ trợ, giảm giá để họ có điều kiện kinh doanh trong đại dịch.
Là đại diện ICT Việt Nam tiêu biểu lội ngược dòng xoáy của Covid-19 để tìm lối đi riêng. Vậy trên hành trình chuyển đổi số quốc gia, Cốc Cốc có kế hoạch dài hạn gì góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành một quốc gia số?
Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là mục tiêu rất quan trọng của Cốc Cốc. Từ góc độ của công ty công nghệ hàng đầu, chúng tôi đang cố gắng đưa ra sản phẩm “Make in Vietnam” tốt nhất và để người dùng trải nghiệm dễ dàng nhất, giúp họ tiếp cận tốt hơn trên Internet. Cốc Cốc đang hợp tác với các cơ quan Chính phủ để đưa ra chương trình như lên mạng an toàn. Đây là một trong những phần trọng tâm của kế hoạch chuyển đổi số quốc gia. Trong một xã hội số, điều đáng lo ngại là việc nhiều hacker muốn đánh cắp dữ liệu người dùng, đánh sập website… Do vậy, đảm bảo người dùng Internet lên mạng an toàn là một nhiệm vụ rất quan trọng của chúng tôi.
Bên cạnh lĩnh vực an ninh mạng, chúng tôi cũng thúc đẩy giáo dục dựa trên nền tảng online. Đây là một lĩnh vực đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Cốc Cốc đưa ra một số giải pháp giúp cho các bạn học sinh, sinh viên học trực tuyến hiệu quả và thuận tiện hơn..
Đặc biệt, chúng tôi đang hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ phải có công cụ tìm kiếm nội địa chiếm 40% thị phần tại Việt Nam. Nếu Cốc Cốc làm được điều này thì Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước có công cụ tìm kiếm mạnh như Nga, Hàn Quốc.
Cảm ơn ông!
Phương Dung