Báo cáo Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê công bố mới đây giúp chúng ta hình dung rõ hơn những ảnh hưởng nặng nề mà đại dịch này gây ra.

Gần 20% số DN phải tạm ngừng hoạt động

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động.

Theo quy mô, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động cao nhất với 23,6%.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động ở mức cao nhất, cùng đạt 20,3%.

Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao nhất với 22,1%. Trong khu vực dịch vụ, tỷ lệ trên đạt rất cao ở các nhóm ngành ăn uống, lưu trú và du lịch, với tỷ lệ lần lượt là 54,0%; 51,1% và 49,5%.

Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả SXKD của doanh nghiệp. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 69,6% so với cùng kỳ.

{keywords}
Nguồn: Gos.gov.vn

Từ kết quả khảo sát, Tổng cục Thống kê dự báo:

Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý II/2020, ước tính có 134 nghìn doanh nghiệp cả nước phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản; trong đó, có hơn 98 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ và gần 35 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng phải tạm ngừng hoạt động; theo quy mô doanh nghiệp: Có gần 130 nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tạm ngừng hoạt động.

Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý III/2020, doanh nghiệp gặp khó khăn càng trở nên nghiêm trọng, ước tính sẽ có hơn 160 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoặc phá sản và con số này tiếp tục tăng nhanh lên hơn 205 nghìn doanh nghiệp nếu dịch kéo dài đến hết quý IV.

Nguồn nhân lực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề

Kinh tế bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của khu vực doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động. Qua số liệu khảo sát, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tính đến hết quý I/2020, có tới 21,6% lao động bị mất việc làm; 7,5% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 9,0% lao động bị giảm lương và 22,8% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên.

Theo quy mô doanh nghiệp, lao động bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước của nhóm doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị tác động bởi dịch chỉ đạt mức 70,0%, do đây là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao hơn so với nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn. Dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4, khi đó tỷ lệ lao động bình quân 4 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 65,0% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn bình quân quý I chỉ bằng 82,9% so với cùng kỳ năm trước, ước tính bình quân 4 tháng đầu năm 2020 lao động sẽ giảm xuống chỉ bằng 79,0% so với 4 tháng đầu năm 2019.

Lực lượng lao động của nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi có tới 13,3% và 12,6% lao động tạm thời phải nghỉ việc không lương; 12,7% và 11,4% lao động bị giảm lương.

Các doanh nghiệp quy mô vừa cũng có 10,9% lao động phải nghỉ không lương và 12,3% giảm lương. Xu hướng này ở các doanh nghiệp quy mô lớn được cải thiện hơn, chỉ có 5,7% lao động phải nghỉ không lương và 7,8% lao động bị giảm lương.

Theo loại hình doanh nghiệp: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ lao động nghỉ việc nhiều nhất là 28,7%; tiếp theo là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%.

{keywords}

Nguồn nhân lực doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Ảnh minh họa

Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm cũng đang đối mặt với việc cắt giảm lao động, lao động của quý I/2020 trong ngành da giày chỉ bằng 70,1% so với cùng kỳ năm trước; ô tô chỉ bằng 78,2%, may mặc: 84,1%, điện tử: 89,2%. Tỷ lệ này ở một số ngành dịch vụ như ngành ăn uống: 61,5%, lưu trú: 72,1% và hàng không: 83,4%.

Lao động của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đang bị ảnh hưởng rất nặng nề khi lao động bị sụt giảm mạnh, đi kèm với số lao động tạm nghỉ việc không lương hoặc bị giảm lương ở mức cao. Có tới 36,2% lao động ngành lưu trú và 33,8% lao động ngành ăn uống đang phải nghỉ không lương tại thời điểm hiện nay; cùng với đó là 26,9% lao động ngành lưu trú và 18,9% lao động ngành ăn uống bị giảm lương. Ngành hàng không tuy chỉ có 5,9% lao động phải nghỉ việc không lương, nhưng ngành này lại có tới 94,9% lao động bị giảm lương, bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ lao động của ngành này đang phải áp dụng giải pháp giãn việc/nghỉ luân phiên, lên tới 64,7% số doanh nghiệp.

Kỳ vọng của doanh nghiệp về những hỗ trợ của Chính phủ

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, bao gồm:

- Nâng cao tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới gói hỗ trợ: cắt giảm thủ tục, giấy tờ chứng minh, xét duyệt; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến kịp thời công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới từng doanh nghiệp;

- Tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thời gian này để doanh nghiệp tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; hiện tại một số doanh nghiệp vẫn nhận được công văn yêu cầu thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp trong tháng 5 tới;

- Mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi;

- Triển khai hệ thống cổng thông tin quốc gia đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ xét duyệt qua mạng, hạn chế việc đi lại, có thể nhận và gửi công văn đến cơ quan hải quan nhanh chóng và thuận tiện.

- Có quy định chung về tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thực hiện, thẩm định và xét duyệt;

- Hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động có tay nghề/trình độ chuyên môn cao.

Bảo Quyên 


Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tổ chức cuộc khảo sát nhanh nhằm thu thập thông tin về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động SXKD cũng như đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về mức độ phù hợp của các giải pháp được đưa ra trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đối với doanh nghiệp.

Đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, hoạt động trong tất cả các ngành kinh tế. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 10/4/2020 đến ngày 20/4/2020 bằng hình thức trực tuyến, sử dụng bảng hỏi điện tử trên hệ thống Điều tra doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê.

Tính đến thời điểm kết thúc khảo sát, có 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm gần 20% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm hiện nay (trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, hạch toán toàn ngành).