Nhưng với ngư dân miền Trung, điều quan trọng hơn là từ lâu nay ông đã là “người anh cả”, chỗ dựa của những con tàu xa bờ...
Ngư dân Lê Văn Chiến - thuyền trưởng tàu đánh cá ĐNa-90351. |
Nửa phần máu thịt của đất nước
Đúng 12h trưa 2.6, con tàu ĐNa-90351 của thuyền trưởng Lê Văn Chiến quay đầu, xuất bến Xuân Hà để thẳng tiến ra vùng biển đông bắc Hoàng Sa. Đây là chuyến biển thứ tư của ông kể từ sau Tết Nguyên đán - 2011. Bên mâm hoa quả cúng tạ thuỷ thần trước khi lên đường, ngoài lời khấn cầu xin được bình yên, được
8-10 tấn cá như những chuyến trước, ông Chiến còn cầu xin không bị... giáp mặt với tàu Trung Quốc. Là thuyền trưởng, nhưng cũng chính là chủ 2 con tàu, ông Chiến gánh nỗi lo cả trên biển lẫn những món nợ vay ngân hàng trên đất liền. Bởi vậy, bám biển để duy trì việc đánh bắt hải sản thường xuyên không chỉ là con đường sinh nhai. Trên bến Xuân Hà, Thọ Quang, ngày này có rất nhiều tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng đang rộn ràng chuẩn bị ra khơi đồng loạt cho vụ mùa đánh bắt chính.
Tàu của thuyền trưởng Lê Văn Chiến trước giờ xuất bến - ngày 2.6.2011. |
Tôi mang nỗi lo hơi thái quá khi bị “bội thực” thông tin về “tàu lạ” thường xuyên tấn công, trấn cướp tàu cá của ngư dân VN đang diễn ra trên biển Đông để hỏi thăm, ông Chiến liền trấn an: “Không đến nỗi quá lo ngại như vậy để rồi nằm bờ. Biển mình thì mình cứ ra khơi mà đánh bắt.
Việc bị tấn công, hay cướp bóc chỉ thi thoảng xảy ra. Nó cũng giống như cạnh tranh, gây tai nạn trên đất liền, như thiên tai, bão biển hằng năm. Không vì sự xuất hiện nhiều tàu vũ trang, tàu cá giả dạng của Trung Quốc mà ngư dân chúng tôi bỏ đi vùng biển - nguồn sống quan trọng của mình. Nếu gọi tổ quốc bằng 2 từ đất nước, thì biển là một nửa phần máu thịt không thể tách rời.
Và hàng vạn bà con ngư dân khắp các miền đất nước mình luôn có mặt ngày đêm trên các vùng biển. Bao đời cha ông chúng tôi đã sống chết với nghề biển, mình không vì những khó khăn trước mắt mà phụ họ, bỏ biển lên bờ được. Tôi chỉ mong một điều là cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, tàu kiểm ngư của mình tăng cường hơn nữa sự có mặt trên biển Đông, bên cạnh tàu cá để bà con ngư dân được bình yên khai thác”.
Trò chơi cút bắt trên biển
Ông Lê Văn Chiến
mới 47 tuổi, nhưng đã có 35 năm đi biển. Ông không thể nhớ hết những lần ra
khơi của mình. Nhưng lại không thể nào quên 2 lần bị bão dập. Lần thứ nhất
vào tháng 5.2006 - cơn bão Chanchu đã nhấn chìm hàng chục tàu cá, làm chết
hàng trăm ngư dân miền Trung.
Lúc ấy, con tàu ĐNa-90351 của ông may mắn vượt theo con sóng dữ, thoát được bãi đá ngầm trên vùng biển Đài Loan. Mười hai thuyền viên bình an vô sự, nhưng lần trở về đó “đầy ắp” thi thể bạn đi biển. Tuy nhiên, kỷ niệm ám ảnh nhất lại là cơn bão cuối năm 2007, khi tàu ông vào neo trú tại Hoàng Sa trong 7 ngày.
Giọng ông Chiến còn ấm ức khi kể lại: “Rút kinh nghiệm Chanchu, chúng tôi không chạy lên hướng bắc, khi bão cận kề, tôi dẫn đầu đoàn tàu 14 chiếc vào đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa để tránh. Biết đấy là trung tâm hành chính và là đầu não căn cứ quân sự của Trung Quốc trên Hoàng Sa, nhưng chúng tôi không còn đường não để lánh kịp cơn bão dữ, đành thẳng tiến vào xin neo đậu. Một mặt, tôi điện đàm về Bộ Chỉ huy biên phòng, đề nghị can thiệp cho ngư dân mình vào trú bão.
Ban đầu, chúng tôi bị uy hiếp bằng súng đạn, nhưng khi có ý kiến từ Bộ Ngoại giao VN, họ mới “lùa” 14 tàu chúng tôi vào âu thuyền nhân tạo. Tại đó, chúng tôi bị cấm túc, bị vô hiệu hoá mọi phương tiện liên lạc và bị đối xử như tù nhân. Trong lúc bão gầm gừ ngoài biển Đông, thì trên đảo, họ dựng giàn đèn cao áp, pha thẳng xuống đoàn tàu cùng hàng rào lính canh gác 24/24h. Hơn 7 ngày đêm ấy, chúng tôi bị buộc ngồi co ro từng nhóm theo tàu, hai tay gác trên đầu cho họ giám sát.
Nhưng điều bức xúc nhất là khi bão tan, mình xin phép rời đảo để về thì bị lính Trung Quốc áp đặt, buộc ký vào biên bản được ghi là “tờ sám hối”. Nội dung bịa đặt trắng trợn là tàu chúng tôi đã xâm phạm lãnh thổ của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Họ xướng tên từng ngư dân rồi bắt thuyền trưởng hô, thuyền viên đồng thanh đáp những câu “sám hối” ghi sẵn ấy để họ ghi âm, ghi hình và chụp ảnh làm tư liệu. Tất cả các ngư dân VN khi lánh nạn bão biển vào vùng biển Trung Quốc đều bị ký những biên bản vu cáo và áp đặt như vậy.
Ngư dân chúng tôi cũng xem như trò chơi cút bắt - đuổi thì mình chạy, đi khỏi mình lại ra giăng lưới. Những đàn cá lớn thường nương theo những khúc gỗ, vật nổi trên biển nên tàu ngư dân theo vật nổi ấy mà đánh bắt. Tàu kiểm ngư Trung Quốc giờ không chơi trò cút bắt nữa mà cẩu luôn vật nổi ấy để đuổi đàn cá thay vì đuổi tàu VN. Họ còn dùng vòi rồng bắn nước... sang tàu cá ngư dân mình. Nói chung cư xử theo kiểu rất chợ búa”.
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến - hình mẫu thành công của phong trào phối hợp quân dân bảo vệ chủ quyền biển đảo tại Đà Nẵng. |
Mỗi ngư dân là một cột mốc
Trạm trưởng Thanh Hà thuộc Đồn biên phòng 248 - đại uý Ngô Thiên Phan - luôn ca ngợi khi nói về thuyền trưởng Lê Văn Chiến. “Không những là ngư dân giỏi, luôn mang về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển, mà ông Chiến còn là một chiến sĩ đúng nghĩa trên mặt trận bảo vệ chủ quyền biển đảo VN” - đại uý Phan cho biết.
Theo bản báo cáo thành tích của ngư dân Lê Văn Chiến được Bộ Chỉ huy Biên phòng TP.Đà Nẵng vinh danh, thì đội tàu của ông Chiến luôn cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng, kịp thời và chính xác, thông báo việc có tàu Trung Quốc xâm lấn vùng lãnh hải, thông tin về tàu cá VN bị tai nạn, bị tấn công trấn cướp... hàng chục năm nay.
Đoàn tàu của ông Chiến đã tự nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn những tàu ngư dân khác khi bị nạn trên biển mà không hề ngần ngại những thua lỗ vì phải bỏ dở chuyến biển. Chính vì vậy, ngoài tình yêu mến của bạn tàu, ông Chiến được rất nhiều bằng khen của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP, Bộ Chỉ huy Biên phòng TP.Đà Nẵng...
Đặc biệt, năm 2010 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Biên phòng toàn dân - ông Chiến nhận được bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng VN. Những công việc xuất phát từ tấm lòng với bạn tàu trên biển, với trách nhiệm công dân rất đỗi bình thường của ông Chiến đã được đánh giá cao.
Những nghĩa cử ấy là chỗ dựa tinh thần, là niềm cổ vũ động viên cho không chỉ tổ đội tàu đánh bắt của ông, mà cho nhiều bạn tàu khác trên vùng biển Đông.
Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ, sát cánh bên nhau để bám biển, khai thác làm ăn và góp phần quan trọng trong việc giữ gìn biên cương tổ quốc ngoài biển khơi. Không quá lời khi gọi họ - những ngư dân - là những “cột mốc” ngoài biển Đông.
(Theo Thanh Hải/Lao Động)