Trung tâm Thư viện và Tri thức số (VNU-LIC) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa khai trương Công viên tri thức, phát động cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc 2025 và hội thảo Tương lai của Thư viện số và Trung tâm tri thức. 

IMG_7650 2.jpg
Các đại biểu cắt băng khai trương Công viên tri thức.

Theo đó, Công viên tri thức là mô hình thư viện mở ngoài trời đầu tiên tại ĐHQGHN, rộng 7.000m2, nơi sinh viên có thể đọc sách, học nhóm, trao đổi học thuật trong không khí trong lành, yên tĩnh và đầy cảm hứng.

Với thảm cỏ xanh ngắt, điểm nhấn đặc biệt là mái dù đỏ tựa cánh buồm đón gió tri thức được dựng lên, trở thành trái tim của Công viên tri thức. Với định hướng “văn hóa đọc gắn với không gian xanh”, công viên sẽ là điểm đến mới mẻ giúp sinh viên tái tạo năng lượng, gắn kết với tự nhiên và tri thức.

IMG_6999.jpg
Sinh viên hào hứng mua các cuốn sách yêu thích.

Lần thứ 5 tổ chức, cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc của ĐHQGHN đã trở thành sân chơi uy tín, thu hút hàng nghìn sinh viên toàn miền Bắc tham gia mỗi năm, song hành cùng sứ mệnh lan tỏa tinh thần yêu sách - học tập suốt đời.

Cuộc thi giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện, kỹ năng tiếp cận thông tin và nuôi dưỡng thói quen đọc trong kỷ nguyên số. Các đại sứ xuất sắc sẽ được tuyên dương, nhận chứng nhận, phần thưởng và có cơ hội lan tỏa văn hóa đọc tại cộng đồng.

IMG_8589 2.jpg
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books.

Tại hội thảo Tương lai của Thư viện số và Trung tâm tri thức, các diễn giả gồm: ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books, tác giả truyền cảm hứng với tầm nhìn phát triển văn hóa đọc và hệ sinh thái tri thức số tại Việt Nam; ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT; ông Nguyễn Hoàng Sơn - Giám đốc Trung tâm Thư viện và Tri thức số đã tập trung vào thảo luận về xu hướng phát triển của Trung tâm tri thức số trong môi trường giáo dục đại học, vai trò của công nghệ trong việc chuyển đổi tri thức từ dạng in ấn sang tri thức số, cơ hội học tập mở và bình đẳng nhờ nền tảng thư viện số.

Ông Nguyễn Cảnh Bình khẳng định, thư viện phải là trái tim thực sự của trường đại học bởi nó "là nơi khởi đầu của những cuộc đổi mới tri thức của giáo viên và sinh viên, nơi thiết kế tương lai của sinh viên và là không gian nuôi dưỡng ý tưởng và tiềm năng sáng tạo của sinh viên".

Theo ông Bình, không gian thư viện hiện nay ở Việt Nam cần phải thay đổi vì "vào thư viện toàn kệ sách là sách sẽ rất nhàm chán, khô cứng và cũ kỹ".

Ông cho rằng, không gian mới của thư viện phải có vườn đọc sách với không gian xanh mát, khu thảo luận mở - sáng tạo nhóm - cộng tác học thuật, studio sản xuất nội dung: podcast, video, bài giảng. Tại thư viện, sinh viên tiếp cận tri thức hai chiều.

"Sinh viên tiếp cận tài liệu học thuật quốc tế qua JSTOR, Scopus và AI như ChatGPT Pro. Quá trình này tạo nền tảng kiến thức chuyên ngành và liên ngành; Luận văn, nghiên cứu, phản biện của sinh viên được số hóa và lưu trữ có hệ thống, tạo ra kho dữ liệu mở đặc thù của trường với hơn 10.000 tài liệu mỗi năm; Sinh viên phát triển nghiên cứu, dự án và sáng kiến mới từ nền tảng tri thức sẵn có. Thành quả được xuất bản trên nền tảng số và diễn đàn học thuật của trường. Quá trình tuần hoàn này tạo hệ sinh thái tri thức sống động, nơi sinh viên vừa là người tiêu thụ vừa là người sáng tạo tri thức", ông Bình khẳng định.