Bất cứ ở đâu có người chết đuối, treo cổ, nhảy lầu, tai nạn giao thông, hay thai nhi bị phá bỏ..., bà cũng xuất hiện để gom nhặt xác, tắm rửa, khâm liệm. Đó là công việc thường ngày suốt 15 năm nay của bà là Lê Thị Hương (SN 1959) trú phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh.
Công việc rợn người
Khó khăn lắm sau nhiều lần tìm gặp, thuyết phục, cuối cùng bà Hương cũng tâm sự về cái nghề khác người của mình. Ngồi bên quán nước chè nhỏ của gia đình cạnh Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, bà kể về những lần gom nhặt xác chết không toàn thây vì tai nạn, ôm mìn tự sát, nhảy lầu, hay những xác chết thối rữa... khiến người nghe phải ớn lạnh.
Bà Hương tâm sự về cái nghề khác người của mình.
|
Mở đầu câu chuyện, bà kể, năm 1999, có một cô gái bị người tình giết chết thả trôi ở sông Cụt (TP.Hà Tĩnh), cũng như bao người dân khác, bà tò mò đi xem.
Đến nơi, thấy xác chết cứ trôi xuôi dòng nhưng không ai dám ra vớt. "Tự nhiên lúc đó như ai xui khiến, tui bơi ra kéo xác vô bờ trước hàng trăm con mắt trầm trồ", bà Hương tâm sự. Cũng từ cái lần đầu tiên này, bà Hương dần "bén duyên" với nghề khâm liệm. Hễ ở đâu có người chết cần khâm liệm, người ta sẽ tìm đến nhờ bà.
"Làm xác chết tai nạn thương tâm lắm chú ạ. Nhiều trường hợp bị nát bét phải đi gom từng phần lại. Phải hết sức cẩn thận, không được bỏ sót, kể cả sợi tóc...", bà Hương chia sẻ. Nói rồi bà Hương kể, những trường hợp cụ thể như vụ tai nạn ở thị trấn Cẩm Xuyên dịp Tết 2010, bà phải bò dưới gầm xe tải để nhặt từng bộ phận thi thể nát bét của người đàn ông bị xe tải cán.
Không chỉ những xác chết tai nạn giao thông, năm 2009, bà còn gom nhặt từng mảnh thịt của một người đàn ông ở TP.Hà Tĩnh ôm mìn tự tử khiến thi thể nổ tung mỗi nơi một mảnh. Lần khâm liệm mệt nhất là vụ sập mỏ đá Rú Mốc ở xã Thạch Lĩnh, huyện Thạch Hà năm 2007 làm 6 người chết.
"Lần đó tui phải làm liên tục từ 22h đêm đến 5h sáng mới xong. Trời thì mưa phùn, lạnh, làm xong về ốm mất mấy ngày luôn", bà Hương nhớ lại.
Vụ chiếc xe khách bị cuốn trôi trong trận lũ lịch sử cuối tháng 10/2010 trên sông La đoạn qua huyện Nghi Xuân bà Hương cũng tham gia khâm liệm 4 nạn nhân
"Nguồn" công việc thường xuyên nhất của bà Hương vẫn là Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ở đó, mỗi khi có bệnh nhân chết, hay những trường hợp phá thai cần khâm liệm là bà Hương đến ngay.
"Ngày 21.4 vừa qua, tui phải làm đến 2 trường hợp, một vụ sẩy thai ở Cẩm Xuyên, một vụ cháu bé 2 tuổi chết vì sốt ở xã Thạch Đài", bà kể. Theo bà Hương, suốt 15 năm qua, đôi bàn tay của bà đã hốt xác, khâm liệm cho hàng ngàn trường hợp chết do tai nạn giao thông, chết đuối, nhảy lầu, treo cổ, chết tại bệnh viện... Mỗi tháng, bình quân bà khâm liệm khoảng 10 - 15 trường hợp.
Làm để tích đức
Với công việc đặc biệt của mình, bà Hương luôn tâm niệm "phải hết sức cẩn thận, sạch sẽ, đầy đủ quy trình, thủ tục nếu không sẽ có tội với vong hồn người chết". Hồi đầu mới đi làm, bà không đòi hỏi tiền nong. Khi xong việc, tùy tâm người ta biếu cho bà cái gì bà nhận cái nấy.
Thậm chí, tang gia bối rối, họ quên luôn cũng không sao. Tuy nhiên, sau này con cái học hành, cuộc sống khó khăn nên bà bắt đầu lấy tiền công rõ ràng. "Nói thật, với những trường hợp nghèo khó quá, khi xong việc họ trả tiền, tui bớt lại chỉ lấy ít hơn. Có trường hợp khốn khó quá, làm xong rồi tui ra về chứ cũng không nỡ cầm tiền của họ", bà Hương tâm sự.
Theo bà Hương, nhiều lần đi hốt xác, trên người nạn nhân có mang theo tiền. Nếu tham, bà có thể thu giấu lấy đi cũng không ai biết nhưng không bao giờ bà làm như thế.
Như năm 2008, khi khâm liệm cho một phụ nữ ở xã Cẩm Quang bị tai nạn giao thông mà trong người có tới 14 triệu đồng và 2 chỉ vàng, bà đã cất tiền rồi trả lại cho người nhà ngay. Trường hợp trong người có vài triệu, mấy trăm ngàn đồng bà cũng trả cho người thân hết.
"Nhiều đêm trời mưa gió, đang ngủ say người ta gọi điện là tui phải quật dậy đi ngay. Những lúc đó, nếu chỉ vì tiền thì ngủ cho khỏe. Nhưng nghĩ làm thêm một trường hợp là tích thêm phúc đức nên mình có động lực mà đi", bà Hương chia sẻ. Thời gian gần đây, chồng bà đã đi theo hỗ trợ công việc, bởi nay bà yếu rồi, với những thi thể nặng, mình bà xoay xở, khâm liệm rất khó khăn.
Chia sẻ công việc rợn người của mình, bà Hương bộc bạch đơn giản: "Xác chết chỉ là trạng thái ngừng hoạt động của con người mà thôi. Mình tắm rửa, khâm liệm là làm phúc cho họ thì không có chi phải sợ. Chỉ sợ làm những gì khuất tất, trái với đạo lý thôi".
(Theo Lao động)