Biển Đông là một trong những vùng biển chiến lược quan trọng nhất trên thế giới với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trữ lượng dầu mỏ, khí đốt dồi dào, tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới.
Tuy nhiên, đây cũng là khu vực tồn tại nhiều tranh chấp phức tạp đan xen chưa được giải quyết giữa các bên, trong đó bao gồm cả các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về các vùng biển.
Sau một loạt diễn biến phức tạp ở Biển Đông cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, các quốc gia liên quan đều nhận thấy cần thiết có một bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan tại Biển Đông.
Bàn về an toàn hàng hải tại vùng Biển Đông, Giáo sư Engelbert nhấn mạnh, các quốc gia trong khu vực Biển Đông cần kiềm chế hành động, tôn trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực cùng nhau giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Điều đó sẽ góp phần xây dựng lòng tin để có thể thúc đẩy đàm phán COC.
Có cùng nhận định này, mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn của báo chí, Tiến sỹ Bec Strating, Giám đốc La Trobe Asia, Phó Giáo sư về Chính trị và Quan hệ quốc tế của Đại học La Trobe ở Melbourne (Australia) khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) là một thành tựu nổi bật trong hợp tác quốc tế.
Tiến sỹ Bec Strating minh chứng cho nhận định cả mình bằng việc nhiều quốc gia ven biển mới và nhỏ đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán và UNCLOS 1982 đã cho phép các quốc gia này đưa ra những tuyên bố hợp pháp đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), trong một số trường hợp là những vùng biển rộng lớn.
Mặc dù các quy định của UNCLOS vẫn còn một số hạn chế, song Công ước thực sự đã tạo ra một khuôn khổ cho một trật tự hàng hải toàn cầu công bằng và bình đẳng mà nhiều quốc gia tiếp tục ủng hộ, duy trì và bảo vệ.
Theo Tiến sỹ Strating, nhiều quốc gia ở châu Á tiếp tục ủng hộ một trật tự hàng hải được xác lập dựa trên UNCLOS, ngay cả khi một số quy định cụ thể trong công ước được các nước diễn giải khác nhau.
Các điều khoản giải quyết xung đột trong UNCLOS đã được sử dụng để giúp giải quyết các tranh chấp trên biển trên khắp châu Á, điển hình như tranh chấp về phân định ranh giới lãnh hải giữa Australia và Timor-Leste, tranh chấp về phân định ranh giới biển tại Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Ấn Độ...
Mặc dù các tranh chấp này có thể chưa được giải quyết triệt để, UNCLOS đã cung cấp cơ sở pháp lý cho các quốc gia đảo và ven biển thực hiện quyền tài phán.
Tại Nam Thái Bình Dương, các quốc đảo đang đi đầu trong các cuộc thảo luận quốc tế về cách thức luật biển trong khuôn khổ UNCLOS nên ứng phó với vấn đề mực nước biển dâng và ảnh hưởng của vấn đề này đối với biên giới trên biển. Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) về vụ kiện tranh chấp trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã được các quốc gia khu vực trong và ngoài Đông Nam Á đã sử dụng trong hoạt động ngoại giao công khai và hợp pháp nhằm ủng hộ các nguyên tắc của một trật tự phù hợp với UNCLOS 1982.
Liên quan vai trò của Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 được thành lập tháng 6/2021 mà Việt Nam mà một trong các nước sáng lập, Tiến sỹ Strating nhận định việc đưa ra các sáng kiến ngoại giao như vậy có ý nghĩa quan trọng trong việc tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia cùng chung chí hướng nhằm đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên UNCLOS 1982 và luật biển quốc tế.
Phạm Văn Công-Trương Thị Minh Hưng