- Em làm việc cho một công ty dệt kim từ tháng 10/2012 đến nay. Ngày 17/11/2017 công ty tuyên bố phá sản. Lúc này, công nhân trong công ty phát hiện ra công ty vẫn trừ tiền bảo hiểm nhưng chỉ đóng đến hết năm 2015 cho chúng em.

Hiện tại em đang mang thai được gần 8 tháng. Với tình hình công ty như vậy, em có thể nhận được tiền thai sản và bảo hiểm thất nghiệp không? Em phải làm thế nào để đòi được trợ cấp hợp pháp của mình?

{keywords}
Ảnh minh họa

Thứ nhất, về quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp phá sản:

Khoản 4 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán”.

Theo khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 thì Thứ tự phân chia tài sản như sau:

1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

a) Chi phí phá sản;

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Thứ hai, về chế độ thai sản được quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Lao động nữ sinh con;

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”.

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì công ty bạn hoạt động đến tháng 11/2017 nhưng đã ngừng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ cuối năm 2015. Căn cứ Quyết định 595/QĐ-BHXH về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế

Căn cứ theo mục 3.2 khoản 3 điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định:

3.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì bạn có thể gửi đơn đề nghị người sử dụng lao động đóng đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi bạn đóng bảo hiểm hoặc cơ quan bảo hiểm nơi bạn cư trú xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm để kịp thời giải quyết chế độ thai sản cho bạn.

Thứ ba, về bảo hiểm thất nghiệp:

Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn); đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định tại Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, việc hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:

1. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận đủ hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; trường hợp không đủ điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thì phải trả lời bằng văn bản cho người lao động.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, để hưởng trợ cấp thất nghiệp, cần đáp ứng các quy định nêu trên về điều kiện, trình tự, thủ tục nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc