ByteDance đã mua lại bằng sáng chế từ một công ty sản xuất điện thoại đang gặp khó khăn là Smartisan – công ty nổi tiếng vì có người sáng lập thích đập phá tủ lạnh và khoe khoang về việc sẽ tạo ra những chiếc smartphone tốt nhất thế giới.
Nhưng ByteDance lại không phải là người đi tiên phong trong việc này. Có ai còn nhớ chiếc Amazon Fire Phone không? Nếu không thì đừng lo, Amazon càng không muốn ai nhớ đến nó.
Sau đây là các ông lớn công nghệ từng cố chen tên mình lên thị trường di động thông minh, và thất bại thảm hại.
Facebook Phone
Vào thời điểm hiện tại thì ý tưởng về việc cầm trên tay một chiếc smartphone được làm bởi Facebook nghe như một cơn ác mộng cho sự riêng tư và thông tin cá nhân vậy. Nhưng trở lại năm 2013, khi cái tên Facebook chưa bị bôi đen bởi scandal thì ý tưởng này có tiềm năng tốt và được xem như một cuộc cách mạng cho thị trường điện thoại thông minh.
Vậy mạng xã hội lớn nhất thế giới quyết định hợp tác với HTC để tạo ra chiếc điện thoại “trong mơ” này, ứng dụng Facebook sẽ được đặt ở hàng đầu và chạy trình duyệt dựa trên hệ điều hành Android có tên Facebook Home. Chiếc HTC First được ra đời dành riêng cho “fan cứng” của mạng xã hội này sử dụng.
Không may cho Facebook, không ai có hứng thú với việc cập nhật tin tức từng phút một về bạn bè của mình trên mạng cả. Cuối cùng thì HTC First phải hạ giá từ $99 (hơn 2 triệu đồng) xuống mức 99 cent (khoảng 23 000 đồng) chỉ trong vòng một tháng. Tạp chí Time thậm chí đã gọi HTC First là một trong những thứ “ngớ ngẩn nhất trong lịch sử công nghệ”.
Đây không hẳn là mất mát cho Facebook, nếu bạn dùng Facebook Messenger bạn sẽ thấy dấu tích còn sót lại của Facebook Home vẫn còn hiển hiện ở phần Chat Heads. Tính năng cho phép cửa sổ chat trôi trên nền ứng dụng khác được đưa vào Facebook Home và vẫn được giữ lại cho đến nay.
Amazon Fire Phone
Nếu như Facebook Phone là sự thất bại thì Amazon Fire Phone là một thảm họa. Amazon đã thua lỗ $170 triệu cho thử nghiệm công nghệ này.
Ra mắt vào năm 2014, chiếc Fire Phone được cho là tiếp nối dòng máy tính bảng Fire. Nhưng khác với tablet giá rẻ, Amazon đã đầu tư khá nhiều tiền cho Fire Phone. Nó có đồ họa 3D được kích hoạt bởi 4 camera trước và chức năng nhận diện hình ảnh gọi là Firely sẽ giúp bạn dễ dàng mua được món đồ mà bạn nhìn thấy ở bên ngoài. Thậm chí Fire Phone còn không có cả những ứng dụng Google phổ biến như Maps hay Gmail, và phiên bản “nhà quê” của hệ điều hành Android được gọi là Fire OS hoàn toàn là thảm họa, ngay cả đồ họa 3D cũng không cứu nổi.
Điện thoại đám mây của Baidu và Alibaba
Các ông lớn công nghệ phương Tây không phải là công ty duy nhất thử vận may với smartphone. Cả Baidu và Alibaba đã từng đầu tư vào thị trường smartphone giá rẻ đang bùng nổ ở Trung Quốc vào năm 2012. Cả 2 công ty đều có tham vọng phát triển điện thoại thông minh như một phương tiện để thu hút người dùng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của mình.
Baidu đã hợp tác với Dell đầu tiên nhưng sau đó chuyển sang nhà sản xuất phụ tùng Changhong để tạo ra mẫu “điện thoại đám mây” – sẽ cung cấp miễn phí dịch vụ lưu trữ đám mây và có điều khiển bằng giọng nói.
Alibaba thì chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Ông lớn thương mại điện tử này hợp tác với một công ty phụ tùng khác tên Haier để tạo ra chiếc điện thoại chạy hệ điều hành Aliyun OS, một sự kết hợp gây tranh cãi giữa Android và Linux. Trong khi Alibaba đang hi vọng Aliyun OS (hiện tại là AliOS) sẽ trở thành Android của Trung Quốc thì chiếc điện thoại này cuối cùng đã trở thành thiết bị IoT.
Cuối cùng thì nỗ lực tạo ra smartphone riêng của Alibaba và Baidu đã dần chìm vào quên lãng.
Điện thoại Selfie của Meitu
Meitu có thể không phổ biến bên ngoài Trung Quốc như nó đã thay đổi đất nước này theo một cách không ai ngờ đến. Meitu phát triển dựa trên sự ảm ảnh của của những người muốn biến ảnh selfie của mình trở nên bóng bẩy như siêu mẫu chụp họa báo. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi công ty quyết định tạo ra một thiết bị dễ thương với camera selfie khổng lồ và các tính năng, bộ lọc làm đẹp. Không may Meitu không phải là công ty duy nhất nghĩ đến chuyện tạo ra smartphone dành riêng cho việc chụp ảnh. Doanh số của mẫu điện thoại này rất thấp kể cả phiên bản Thủy thủ Mặt trăng của nó cũng không cải thiện được.
Vào tháng 12 năm 2018 Meitu chính thức giao mảng kinh doanh smartphone cho Xiaomi – hiện tại đang bán mẫu điện thoại siêu nữ tính tên Little Fairy (Nàng tiên nhỏ). Tất nhiên là Meitu vẫn phụ trách phần filter làm đẹp.