Vụ Công ty Tân Thuận chuyển nhượng dự án tại Q.7, TP.HCM cho Công ty Quốc Cường Gia Lai được xác định gây thất thoát 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cơ quan điều tra chưa làm rõ.
CTCP Garmex Sài Gòn (mã GMC) vừa công bố thông tin bất thường về nghị quyết chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến thông qua kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất của công ty và công ty con. Thời gian lấy ý kiến cổ đông dự kiến thực hiện từ ngày 25/3-15/4.
Cụ thể, công ty may sẽ lấy ý kiến về việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 50.173m2 và công trình xây dựng trên đất tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu đất trên thuộc quyền sử dụng của Garmex Sài Gòn và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận vào năm 2014.
Ngoài ra, Garmex Sài Gòn cũng sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 26.000m2 và công trình xây dựng tại Cụm Công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Khu đất này thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam, một trong những công ty con của Garmex Sài Gòn và đã được cấp giấy chứng nhận vào năm 2018.
HĐQT Garmex Sài Gòn được uỷ quyền để đàm phán, quyết định mức giá, hình thức và thời gian chuyển nhượng hai tài sản nói trên.
Tiền thân của Garmex Sài Gòn là CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn. Doanh nghiệp này được thành lập năm 1976 và khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Ban đầu, doanh nghiệp này có tên là Liên hiệp Các Xí nghiệp May TP.HCM, đơn vị quản lý lượng lớn xí nghiệp dệt may xuất khẩu tại TP.HCM.
Về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, Garmex Sài Gòn cho biết gặp nhiều khó khăn, đơn hàng ít. Giai đoạn đầu năm, công ty chủ yếu tập trung xử lý hàng tồn kho.
Theo báo cáo của HĐQT Garmex Sài Gòn, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy, công ty sẽ lỗ nặng. Do đó, công ty phải tổ chức lại bộ máy, tiếp tục cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thua lỗ.
Hiện, Garmex Sài Gòn vẫn chưa tuyển lại lao động cho ngành may. Trong thời gian sắp tới, tuỳ vào diễn biến của thị trường, công ty sẽ quyết định có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không.
Cùng với giải pháp đa dạng hoá ngành nghề để tránh rủi ro, Garmex Sài Gòn sẽ tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng các tài sản không sử dụng, tối ưu hoá nguồn lực hiện có.
Khép lại năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Garmex Sài Gòn chỉ vỏn vẹn 8,3 tỷ đồng, giảm đến 97% so với năm 2022, và lỗ sau thuế 52 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2022, doanh nghiệp này ghi nhận mức lỗ sau thuế là 84 tỷ đồng.
Khoản đầu tư đáng chú ý của Garmex Sài Gòn trong năm qua là tăng vốn góp từ 18,2 tỷ đồng lên 29,6 tỷ đồng tại CTCP Phú Mỹ. Do doanh nghiệp này tăng vốn nên Garmex Sài Gòn vẫn giữ tỷ lệ sở hữu 32,47%.
Được biết, CTCP Phú Mỹ là chủ đầu tư dự án nhà ở quy mô 1,5ha và dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới. Garmex Sài Gòn kỳ vọng dự án này sẽ mang lại giá trị tiềm năng trong tương lai cho công ty.