- Tôi là công nhân của một công ty TNHH Điện tử, đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tôi có thâm niên làm việc cho công ty đã gần 8 năm. Bây giờ công ty lấy lí do cắt giảm biên chế, đòi hủy hợp đồng đuổi việc tôi. Ngoài ra, tôi vẫn thấy công ty tuyển thêm nhân viên mới. Xin luật sư cho biết nếu công ty làm vậy thì tôi có được bồi thường hợp đồng không? Trong hợp đồng không hề nhắc đến điều khoản công ty có thể sa thải vì chính sách hay bồi thường hủy hợp đồng.
TIN BÀI KHÁC
Công ty đơn phương hủy hợp đồng, tôi có được bồi thường? (Ảnh minh họa) |
Vì thông tin bạn cung cấp không rõ ràng nên chúng tôi chia ra làm hai trường hợp như sau:
Thứ nhất, trường hợp công ty bạn cho bạn nghỉ việc vì lý do kinh tế:
Khoản 2 điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về nghĩa vụ của người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế như sau: “Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.”
Theo quy định này, nếu trường hợp của bạn bị nghỉ việc vì lý do kinh tế thì sẽ được hưởng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại điều 49 bộ luật lao động 2012.
Thứ hai, căn cứ Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động (phía công ty bạn) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu có căn cứ như: Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Căn cứ Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động năm 2012 thì trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế thì người sử dụng lao động có quyền cho người lao động nghỉ việc theo quy định sau:
"Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh."
"Điều 13. Thay đổi cơ cấu, công nghệ và vì lý do kinh tế
1. Thay đổi cơ cấu, công nghệ tại Khoản 1 Điều 44 của Bộ luật Lao động gồm các trường hợp sau đây:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi sản phẩm, cơ cấu sản phẩm;
c) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.
2. Lý do kinh tế tại Khoản 2 Điều 44 của Bộ luật Lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế."
Như vậy, bạn cần xem xét trường hợp công ty bạn có một trong những lý do tại Điều 38 hoặc Điều 44 hay không. Nếu có thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng với bạn.
Thứ ba, nếu công ty chấm dứt hợp đồng với bạn theo Điều 44 Bộ luật lao động năm 2012 thì bạn được hưởng trợ cấp mất việc theo Điều 49 Bộ luật lao động năm 2012.
Nếu công ty chấm dứt hợp đồng mà không thuộc một trong những trường hợp quy định ở trên (chấm dứt hợp đồng trái pháp luật) thì công ty phải nhận bạn trở lại làm việc và được hưởng quyền lợi theo Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012:
"1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước."
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ [email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc