Theo Ngân hàng Tây Ban Nha, để được đăng ký, công ty này sẽ phải tuân thủ các quy tắc liên quan đến việc chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
Dù được đưa vào sổ đăng ký, điều này không đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương chấp thuận các hoạt động của doanh nghiệp này. Ngân hàng Tây Ban Nha cũng từ chối việc giám sát các rủi ro tài chính và hoạt động của nền tảng.
Trong một đoạn tweet được chia sẻ gần đây, Binance cho biết sàn giao dịch có 120 triệu người dùng này đã được cho phép cung cấp dịch vụ trao đổi và lưu ký tài sản tiền mã hóa ở Tây Ban Nha.
Đây được xem là một thành công đối với Binance - sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Trước đó, Binance đã thành công trong việc đăng ký hoạt động ở Pháp và Ý trong bối cảnh Liên minh Châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho việc đưa ra các quy định mới về vấn đề này.
Theo các quy tắc mới được EU thông qua hồi tuần trước, các công ty tiền mã hóa cần phải có giấy phép và các biện pháp bảo vệ khách hàng để có thể được phát hành và bán tiền mã hóa tại các nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Quy tắc hiện tại không cho phép các giao dịch tiền mã hóa xuyên biên giới được thực hiện tại EU. Điều này sẽ thay đổi khi các quy tắc mới bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2023.
Phần lớn các tài sản tiền mã hóa trên toàn cầu đều không được kiểm soát. Tại Liên minh Châu Âu, yêu cầu đặt ra của các nước trong khối này là việc đảm bảo các biện pháp nhằm chống rửa tiền.
Mới đây, một thành viên của Nghị viện Châu Âu đã thúc giục Pháp xem xét lại quyết định về việc cho phép một công ty con của Binance đăng ký tại quốc gia này.
Trọng Đạt (Theo Reuters)