- Tôi làm công nhân cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trước khi vào công ty, tôi có ký 1 bản cam kết là vào công ty làm việc đủ 10 tháng mới được có thai, tức là đủ 19 tháng mới được sinh con.
Đến tháng 3 tôi hết hợp đồng, công ty không ký hợp đồng tiếp cho tôi vì tôi đang có thai, đến tháng 3 là thai của tôi được 7 tháng mà lại hết hợp đồng. Vậy cho tôi hỏi tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Tôi sẽ lấy chế độ như thế nào ạ?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của pháp luật Lao động hiện hành, nội quy lao động, các văn bản nội bộ của công ty và sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ không được trái với pháp luật lao động và các quy định của pháp luật có liên quan.
Quy định của pháp luật Lao động hiện hành và quy định của pháp luật có liên quan không có quy định cấm lao động nữ có thai và sinh con trong thời gian làm việc.
Do vậy, thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ trong trường hợp này là trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp hợp đồng lao động của bạn hết thời hạn mà hai bên không đạt được thỏa thuận về việc ký tiếp hợp đồng mới thì việc chấm dứt HĐLĐ do hết thời hạn là đúng quy định của pháp luật theo Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 mà không vi phạm quy định của Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 về hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ đang có thai.
Về chế độ thai sản, Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản, theo đó, lao động nữ sinh con phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con mà không phụ thuộc vào việc bạn còn đang làm việc hay đã nghỉ việc.
Trong câu hỏi bạn không nêu rõ thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của bạn, vì vậy, bạn đối chiếu nếu có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản mà tại thời điểm sinh bạn đã nghỉ việc ở công ty thì sau khi sinh con, bạn có thể tự mình tiến hành thủ tục đăng ký chế độ thai sản theo Khoản 5 Điều 9 Quyết định 01/QĐ-BHXH năm 2014, bao gồm các loại giấy tờ sau:
Một là, Đơn của người lao động nữ sinh con (mẫu số 11B-HSB).
Hai là, Sổ bảo hiểm xã hội.
Ba là, Giấy chứng sinh (bản sao) hoặc Giấy khai sinh (bản sao) của con. Nếu sau khi sinh, con chết thì có thêm Giấy báo tử (bản sao) hoặc Giấy chứng tử (bản sao) của con. Đối với trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà không được cấp các giấy tờ này thì thay bằng bệnh án (bản sao) hoặc giấy ra viện của người mẹ (bản chính hoặc bản sao).
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội
Bạn đọc muốn gửi các
câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ
[email protected] (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi
tiện liên hệ