Các bên tham gia vào Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và điều phối trong việc bảo hộ bản quyền phần mềm ở Việt Nam được ký kết sáng nay có Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam (Vinasa) và Liên minh phần mềm doanh nghiệp quốc tế (BSA).
Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói bản ghi nhớ này là hợp tác chính thức đầu tiên giữa các cơ quan Chính phủ với với hiệp hội ngành CNTT của Việt Nam và nước ngoài trong việc chống vi phạm bản quyền phần mềm. Trong đó, mục tiêu của chương trình hợp tác là nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy ngành CNTT trong nước phát triển.
Trong biên bản ghi nhớ, Cục Bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cam kết tăng cường hoạt động kiểm tra các cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền phần mềm, tăng cường tuyên truyền nhận thức về bản quyền phần mềm qua việc hợp tác với các cơ quan truyền thông.
Trao đổi bên lề, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói trong thời gian tới sẽ có những vụ vi phạm bản quyền phần mềm được cơ quan chức năng đưa ra xử lý hình sự. Ông Thành cho biết các vụ vi phạm bản quyền phần mềm trong thời gian tới cũng sẽ áp dụng mức phạt vi phạm hành chính mới, tối đa là 500 triệu đồng. Mức phạt này theo ông Thành sẽ có tính răn đe hơn nhiều so với mức phạt tối đa 30 triệu đồng với các vụ vi phạm bản quyền phần mềm thời gian qua.
Phía BSA cam kết hỗ trợ các cơ quan chính phủ Việt Nam đào tạo cán bộ thực thi pháp luật về bản quyền phần mềm ở các địa phương, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách và thực hiện chính sách chống vi phạm bản quyền phần mềm. Ông Tarun Sawney, giám đốc BSA khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết sắp tới BSA sẽ lập đường dây nóng để nhận thông tin về vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam.
BSA là tổ chức đại diện cho nhiều doanh nghiệp phần mềm thương mại và các đối tác phần cứng trên thế giới, trong đó nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, Adobe, Apple, Autodesk, McAfee, EMC, Dell, HP, IBM, Symantec, CA, Borland, Corel...
Theo báo cáo do BSA và công ty IDC phối hợp thực hiện, vài năm gần đây, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam đã giảm đáng kể từ mức 92% năm 2004 còn 85% trong năm 2007.
Gần đây, chế tài xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ trong đó có bản quyền phần mềm đã mạnh tay hơn. Xử phạt hành chính đã tăng từ mức cao nhất là 30 triệu đồng lên tới 500 triệu đồng. Từ tháng 8/2008, thông tư hướng dẫn xử lý hình sự với những vi phạm sở hữu trí tuệ trong đó có bản quyền phần mềm đã có hiệu lực, với mức tù từ 6 tháng tới tối đa 3 năm.