Trước đó, Liên danh nhà thầu thi công gói thầu PK2 là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – Tổng công ty Xây dựng Thăng Long – Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam đã ký “quân lệnh trạng” với lãnh đạo Bộ GTVT việc hoàn thành 31,8 km chính tuyến thuộc địa phận Thái Nguyên trước ngày 30/6/2013.
Sở dĩ, 'quân lệnh trạng' được đưa ra là bởi, cách đây gần 1 năm, gói thầu PK2 – gói thầu xây lắp lớn nhất thuộc Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên trị giá 1.520 tỷ đồng mới chỉ hoàn thành khoảng 50% khối lượng và trễ gần 7 – 8 tháng so với hợp đồng gốc.
![]() |
Nhiều đoạn đã thi công xong và đang được gấp rút trồng cỏ. |
“Vào thời điểm đó, do vướng mặt bằng, năng lực thi công yếu kém của nhiều nhà thầu khiến ít người tin rằng gói thầu có thể về đích đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT”, ông Nguyễn Ngọc Long, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho biết.
Cùng với việc tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tài chính cho các nhà thầu, đại diện chủ đầu tư đã phải “đuổi” ra khỏi công trường hàng chục thầu phụ yếu kém. Thậm chí, vào thời điểm thi công nước rút bắt đầu từ tháng 2/2013, một vài nhà thầu chính đã bị cắt khối lượng để điều chuyển cho các đơn vị mạnh nhảy vào ứng cứu.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng, đây là công trình cao tốc hiếm hoi ở Việt Nam về đích đúng tiến độ hợp đồng.
Được biết, không chỉ riêng nhà thầu mà ngày chính chính ông Long cũng đã phải tự “cược” vị trí Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 với lãnh đạo Bộ GTVT trong việc hoàn thành mục tiêu thông xe phần lớn Gói thầu PK2 trước 30/6/2013 và thông xe toàn bộ Dự án dài 61 km từ Thái Nguyên về đến Hà Nội vào ngày 31/12/2013.
“Nếu TP. Hà Nội bàn giao những điểm còn vướng mặt bằng trong quý III/2013, đặc biệt là vị trí cầu Phù Lôi, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ dự án về đích trước ngày 31/12/2013”, ông Long khẳng định.
![]() |
Những mét thảm bê tông nhựa cuối cùng thuộc đoạn cao tốc 4 làn xe dài 31 km qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được hoàn thành. |
Ban Quản lý dự án 2 sẽ tổ chức thông xe kỹ thuật đưa vào khai thác tạm thời đoạn tuyến chính đi qua địa phận tỉnh Thái Nguyên vào ngày 13/7 tới.
Đây là đoạn tuyến đường cao tốc sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản đầu tiên được hoàn thành và đưa vào khai thác tại Việt Nam với chi phí xây dựng 72 tỷ đồng/km (khoảng 3 triệu USD).
Hiện các nút giao được bổ sung trong quá trình triển khai đã hoàn thành được một số hạng mục và đang được tiếp tục thi công, hoàn thiện khai thác đồng bộ toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc vào tháng cuối 12/2013.
Theo quyết định của Bộ GTVT để đảm bảo tuyệt đối ATGT trong quá trình khai thác tạm thời, các phương tiện được lưu thông trên đường bao gồm: xe ô tô con, xe tải nhẹ trọng tải dưới 10 tấn. Các phương tiện không được lưu thông trên đường bao gồm: xe mô tô, xe đạp, xe thô sơ, xe chở vật liệu cháy, nổ, xe quá khổ, quá tải. Vận tốc lưu hành trong thời gian khai thác tạm thời của các loại phương tiện tối đa là 60 km/giờ. Hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện lưu thông trên một số hướng chính như sau: - Đi từ QL3 cũ vào tuyến Đê Chã (Km32+000) đến Nút giao Phổ Yên (Km41+800): khai thác một chiều. Tại Nút giao Phổ Yên có kết nối ra, vào và bố trí hệ thống đèn tín hiệu giao thông. - Từ Nút giao Phổ Yên (Km41+800) đến Nút giao Sông Công (Km53+000): khai thác hai chiều, có kết nối trí ra, vào tại Nút giao Sông Công. - Từ Nút giao Sông Công (Km53+000) đến Nút giao Tân Lập (Km 63+800): khai thác hai chiều, có kết nối vào, ra tại Nút giao Tân Lập nối với tuyến tránh Thành phố Thái Nguyên. |
Gia Văn