- Đó là một trong những yêu cầu được Bộ TT&TT đặt ra tại buổi hội thảo Ngày ATTT Việt Nam, “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới”.

Ngày 1/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam 2017. Đây là sự kiện thường niên lần thứ 10, do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp cùng Cục ATTT (Bộ TT&TT), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ TT&TT) và Cục CNTT (Bộ Quốc Phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.

Ngày ATTT đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là diễn đàn để các tổ chức, cá nhân trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về ATTT.

{keywords}

Buổi hội thảo Ngày ATTT Việt Nam, “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới”. Ảnh: Trọng Đạt

Năm nay, Ngày ATTT Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là thời kỳ bắt đầu của các sản phẩm thông minh, ứng dụng, dịch vụ thông minh và hệ sinh thái dịch vụ thông minh.

Trong bối cảnh đó, công tác bảo đảm ATTT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT.

Ngày ATTT Việt Nam năm 2017 diễn ra với chủ đề “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới” mang một thông điệp mạnh mẽ và là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề mang tính thời sự, nhằm nâng cao công tác bảo đảm ATTT trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên kết nối. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết: “Thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi phức tạp. Nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực.”

“Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo ATTT, và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chia sẻ.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải chia sẻ về các thách thức ATTT mạng trong tình hình mới. Ảnh: Trọng Đạt


Trước tình hình này, Bộ TT&TT đã chủ động xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật ATTT mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ cũng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đảm bảo ATTT mạng. Đặc biệt là việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai quy hoạch phát triển ATTT số quốc gia và kế hoạch đảm bảo ATTT mạng với quan điểm mới. Điều này nhằm phát triển khả năng thích ứng một cách chủ động, linh hoạt và giảm thiểu các nguy cơ đe doạ mất ATTT.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, “Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước tiến thông minh, phù hợp để ứng phó với tình hình hiện nay, hướng tới một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh, bảo đảm ATTT mạng của các cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng.”

Bộ TT&TT cũng hy vọng sẽ nhận được từ hội thảo nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất hữu ích cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế chính sách về ATTT của Việt Nam.

Trọng Đạt