Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.Vì vậy, không ít doanh nghiệp thực hiện tăng ca, trong khi đó, người lao động cũng hăng hái làm thêm giờ để “tiết kiệm” được nhiều hơn. Làm việc nhiều, ăn uống kham khổ, không ít công nhân đang đánh cược sức khỏe và tính mạng của mình.
Tự nguyện tăng ca
Con đường nhỏ dẫn đến khu trọ CN ở khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo xuất hiện những chợ tự phát vào cuối ngày. Tan ca, hàng ngàn nữ CN đổ vào các quầy hàng ven đường để mua thức ăn chuẩn bị cho bữa tối sau một ngày làm việc. Phần lớn CN chọn mua trứng, cá khô, đậu hủ và các loại rau cải, rau muống, dưa leo. Một CN xí nghiệp giày da KCN Tân Tạo chia sẻ: “Hôm nay không tăng ca nên tranh thủ ghé chợ mua đồ. 50.000đ đi chợ chẳng mua được gì nhiều, có mấy bó rau, mớ tép bạc”.
Sau một ngày làm việc vất vả, chị Đoàn Thị Giang, Công ty TNHH Freetrend Việt Nam (KCX Linh Trung, TP.HCM), vẫn chỉ dám ăn suất cơm bình dân. Lương CN 3,4 triệu đồng/tháng nhưng phải chi tiêu đủ thứ: tiền thuê nhà, xăng xe, điện nước,… nên chỉ còn cách tiết kiệm tối đa, kể cả ăn uống. Đó là cách “thắt lưng buộc bụng” mà hàng ngàn CN ở các KCN - KCX tại TP.HCM đang thực hiện. Chị Giang cho biết, trước đây chị tự nấu ăn để tiết kiệm, nhưng rồi thực phẩm lên giá từng ngày khiến việc nấu nướng hao tốn. “Thời gian gần đây, tôi ăn tại công ty cả bữa trưa lẫn bữa tối, hôm nào không tăng ca mới ăn tối ở nhà; nhưng thường thì ăn mì gói, đôi khi có thêm quả trứng...” - chị Giang bộc bạch.
Tình trạng tránh ăn cơm nhà để tiết kiệm chi tiêu đang trở thành “phong trào” trong giới CN, nhất là những tháng cuối năm. Một CN tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec (sản xuất linh kiện điện tử ở KCN Việt Nam - Singapore II, Bình Dương), cho biết, cả dãy trọ nơi chị ở đều rủ nhau làm thêm ca đêm.
Nhiều công nhân đang đánh cược với sức khỏe và tính mạng của mình để tăng ca, làm thêm việc nhằm chống chọi với “bão giá” |
Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm các KCN - KCX TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong các KCN - KCX TP.HCM từ nay đến Tết Nguyên đán là khoảng 5.000 người. Nhiều DN đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các đơn hàng cuối năm. Đây cũng chính là điều kiện giúp cho CN tăng ca, kiếm thêm thu nhập.
Với đồng lương ít ỏi, công nhân luôn dè xẻn chi tiêu trong ăn uống (ảnh chụp tại chợ ven đường gần khu công nghiệp Tân Tạo) |
Bệnh tật tấn công vì suy dinh dưỡng
Tự nguyện tăng ca, tiết kiệm “cơm nhà” là giải pháp mà nhiều CN chọn lựa. Điều đáng ngại là không phải công ty nào cũng cung cấp suất ăn đủ dinh dưỡng cho CN. Nhiều công ty đã ký hợp đồng với DN cung cấp suất ăn, giá 15.000đ/phần. Anh L. N. Thịnh (nhân viên một công ty có vốn 100% nước ngoài tại KCN Tân Bình, TP.HCM) cho biết, công ty anh nhiều năm nay đã ký hợp đồng với một công ty ở Q.Tân Phú, TP.HCM để cung cấp cơm trưa cho CN. Một suất ăn CN 15.000đ bao gồm: cơm, món mặn, món xào và canh nhưng chủ yếu chỉ là một dúm rau muống hoặc rau cải bé tẹo, hai lát đậu hủ bao bọc ít cà chua, hai - ba lá chả mỏng như giấy và canh cải. Có hôm thì chỉ có cá ngừ và canh cải. “Bữa cơm được đặt 15.000đ/suất nhưng qua các khâu ăn chia hoa hồng, hao hụt nấu nướng, vận chuyển... nên khó có thể đảm bảo dinh dưỡng. Suất cơm như vậy, ngay cả chị em còn không đủ “dằn bụng”, huống hồ chi nam giới chúng tôi”, anh Thịnh bộc bạch.
Khó có thể hình dung những CN “mình hạc xương mai” lại có lịch làm việc quay cuồng, ban ngày làm từ 7g đến 17g30 (nghỉ trưa khoảng một tiếng), sau đó tăng ca đêm từ 20g đến 2g sáng ngày hôm sau; hoặc làm từ 22g đến 6g sáng; nghỉ ngơi chút ít rồi họ lại tiếp tục công việc của ngày mới.
Nhiều công nhân sẵn sàng tăng ca để né cơm nhà |
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: qua khảo sát gần 1.000 CN tại các KCN - KCX, CN chỉ dám tiêu 27,3% thu nhập (khoảng 675.000đ) cho việc ăn uống, trong khi mức chi tiêu cho ăn uống bình quân của người TP.HCM chiếm 40% thu nhập (khoảng 1,1 triệu đồng). Chi phí thấp cho ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe của CN.
Hệ quả của bữa ăn thiếu chất là gần 30% CN tại các KCN - KCX bị suy dinh dưỡng (nam 26,5%, nữ 31,8%). Có đến gần 20% CN bỏ bữa ăn ít nhất một lần trong ngày, trong đó bỏ bữa sáng chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo BS Diệp là đời sống CN thấp và CN thiếu kiến thức về dinh dưỡng.
CN bị suy dinh dưỡng khiến sức đề kháng yếu, bệnh tật dễ tấn công, đặc biệt trong môi trường lao động ô nhiễm, không an toàn, áp lực công việc nặng nhọc ngày càng gia tăng. Theo TS-BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, CN có nguy cơ mắc bệnh cao, chủ yếu là các bệnh về tai-mũi-họng (31%), mắt (23,11%) và răng-hàm-mặt (18%)... Đáng lưu ý là trong gần 30% lao động nữ đi khám, có đến gần 50% mắc bệnh phụ khoa: u nang buồng trứng, viêm âm đạo, u xơ tử cung...
Chưa có quy định về bữa ăn công nhân
Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng và bệnh tật ở CN, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, cần tăng cường chất lượng suất ăn và cải thiện môi trường làm việc.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: hiện nay, mọi chi phí về ăn giữa ca, ăn chính của CN đều được khoán trong lương. Ở Việt Nam, hiện chưa có luật quy định về các bữa ăn cho CN. Tiêu chuẩn cụ thể cho một suất ăn để CN đủ năng lượng làm việc trong ngày cũng không có, nên khi ngộ độc xảy ra cũng không có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm cho ai. Để đảm bảo đúng giờ giấc tập trung làm việc, nhiều DN đứng ra lo bữa ăn cho CN. Tuy nhiên, cũng có các DN “vô tư”, phó mặc cho các cơ sở nấu ăn bên ngoài. Điều này khiến suất ăn tới tay CN dễ bị hao hụt.
Bữa cơm tối tăng ca đạm bạc của công nhân |
Việc kiểm tra chất lượng bữa ăn cũng chưa được giám sát chặt chẽ. Đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhiều phương án được đưa ra nhằm hoàn thiện một quy chuẩn quy định bữa ăn cho CN; nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có phương thức thống nhất. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, rất cần cơ quan chức năng có một quy định bắt buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm và hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu cần thiết cho CN của từng ngành nghề cụ thể. Đây cũng là cơ sở pháp lý để đơn vị thanh, kiểm tra xử lý khi DN thực hiện sai quy định.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)