- Từ năm 2008 tới năm 2016, số lượng hồ sơ công nhận văn bằng của nước ngoài tại Việt Nam đã tăng gần 44 lần.

Số liệu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục công bố tại Hội thảo Công nhận văn bằng giáo dục đại học sáng 28/3 cho thấy, vào năm 2008 - thời điểm quy định về công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở nước ngoài cấp có hiệu lực - chỉ có 88 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng.

Tuy nhiên, đến năm 2016, số lượng hồ sơ là 3.861 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng.

Thời điểm bắt đầu có sự gia tăng đột biến là vào năm 2013, khi số lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng tăng gấp 3 lần, từ 622 hồ sơ (2012) lên 1.828 hồ sơ (2013).

{keywords}
Số liệu thống kê lượng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng do nước ngoài cấp từ 2008-2016.

Theo ông Vũ Ngọc Hà, chuyên viên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, nguyên nhân của sự gia tăng này là do vào năm 2013 các kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cũng như thông tin từ dư luận về hiện tượng bằng rởm của nước ngoài cấp đã khiến các cơ sở tuyển dụng và tuyển sinh yêu cầu các cá nhân có văn bằng nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng theo quy định.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết, việc công nhận văn bằng của các cá nhân chỉ thuần túy từ yêu cầu của cơ sở tuyển dụng hoặc nhu cầu cá nhân chứ quy định của Bộ GD-ĐT không quy định bắt buộc những người có bằng của nước ngoài cấp phải công nhận văn bằng.

Theo số liệu thống kê, số hồ sơ công nhận văn bằng chủ yếu là từ loại hình du học toàn phần (60%) và liên kết đào tạo (34%). Trong liên kết đào tạo thì 63% là toàn phần tại Việt Nam, 37% là bán phần.

Các trường có cơ sở, chi nhánh tại Việt Nam chiếm khoảng 4,36% số hồ sơ.

Ông Hà cũng tiết lộ, có tới 95% số hồ sơ (trên tổng số khoảng 14.490 hồ sơ) được công nhận từ 2008- 0216. Có khoảng 531 hồ sơ thiếu thông tin và 365 hồ sơ không được công nhận.

Nguyên nhân khiến các hồ sơ không được công nhận chủ yếu là do các tổ chức kiểm định giả, trường đại học giả hoặc văn bằng, bảng điểm giả.

Ông Hà cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Trung tâm thông tin về công nhận văn bằng để giúp người học có đầy đủ thông tin hơn về các chương trình đào tạo nước ngoài trước khi lựa chọn chương trình hay cơ sở đào tạo.

"Giấc mơ" bằng đại học VN được thế giới công nhận

Trả lời câu hỏi liên quan tới vấn đề công nhận văn bằng của các trường ĐH Việt Nam ở các nước trong khu vực và thế giới, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD khẳng định đây là câu chuyện mà chúng ta sẽ hướng tới.

"Thông qua hệ thống thông tin, sự lớn mạnh của hệ thống GD ĐH hiện nay chúng ta có quyền mơ và phải phấn đấu chúng ta không chỉ tham gia, liên kết chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài mà các nước cũng liên kết với chúng ta".

"Tới thời điểm nào đó, chúng ta phải nghĩ tới việc xuất khẩu, một hoặc nhiều chương trình đào tạo của ta ra nước ngoài và khu vực" - ông Trinh nói thêm.

Tuy vậy, ông Trinh từ chối trả lời câu hỏi về lộ trình cụ thể cho "giấc mơ' này.

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: Lê Văn.

Trong khi đó, theo bà Đào Thị Liên Hương, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, để có thể công nhận bằng cấp lẫn nhau giữa các trường ĐH Việt Nam và các trường thế giới thì cần phải thay đổi chương trình cho phù hợp.

"Rất nhiều học sinh VN, học hết năm thứ nhất sang nước ngoài để học sẵn sàng trừ đi những môn nào học rồi nhưng hầu hết năm thứ nhất của các trường ĐH ở VNđều học các môn không liên quan nhiều lắm tới chuyên môn" - bà Hương cho hay.

Bằng quốc tế đào tạo từ xa công nhận thế nào?

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là việc công nhận văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát.

Theo ông Ga, mặc dù có những chương trình trực tuyến tốt nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng đang là câu hỏi khó.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Hà cho biết, theo quy định hiện nay, các chương trình đào tạo từ xa chỉ được công nhận khi chương trình đó được Bộ GD-ĐT cấp phép.

Ông Hà cho rằng, hiện nay, đào tạo từ xa đã được nhiều nước công nhận là xu thế tất yếu song nhiều quốc gia vẫn chưa công nhận. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước có nền giáo dục phát triển chưa không nhận vì sợ canh tranh với các cơ sở trong nước trong khi đó, những quốc gia như Việt Nam lại đang lo lắng về vấn đề kiểm soát chất lượng của hình thức đào tạo này.

Từ đó, ông Hà kiến nghị cần phải sớm có quy định, tiêu chuẩn và công cụ để công nhận văn bằng hình thức đào tạo từ xa.

Việt Nam đã ký kết Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học tại Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Băng Cốc vào tháng 12/1983 (Công ước Băng Cốc 1983). Tháng 11/2011, các thành viên đã thông qua Công ước sửa đổi, bổ sung tại Tokyo (Công ước Tokyo 2011).

Theo ông Mai Văn Trinh, việc phê chuẩn Công ước này sẽ giúp cho việc công nhận văn bằng ở Việt Nam ngày càng đi vào nề nếp theo những quy định chung mang tính quốc tế.


Lê Văn