Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình cho biết, việc công nhận 2 lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương: “Có thể nói việc công nhân 2 di sản văn hóa phi vật thể này góp phần khẳng định mảnh đất, cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu gắn liền với quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất. Tạo điều kiện, cơ hội cho các địa phương quảng bá, giới thiệu di sản cho bạn bè cũng như du khách quốc tế”.
Đập trống là một lễ hội lớn của người Ma Coong. |
Đập trống là một lễ hội lớn của người Ma Coong mỗi năm được tổ chức một lần vào ngày 16 tháng giêng âm lịch để mừng mùa trăng mới. Lễ hội được tổ chức tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch Quảng Bình.
Theo truyền thuyết: Ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác mầu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa. Khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa, đau ốm. Đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ. Dân làng quyết tâm phải đuổi con khỉ ác này đi. Và một hôm khỉ ác tìm đến bản, bà con đã khua trốn.
Để nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.
Suốt cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng ai cũng bận rộn vì tối này là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.
Lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. |
Lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy là một trong những lễ hội dân gian truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Lệ Thủy. Bao lớp người Lệ Thủy khi sinh ra và lớn lên đã được sống, chứng kiến bầu không khí của lễ hội được tổ chức hàng năm này.
Lễ hội được tổ chức để cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đồng thời, rèn luyện sức khỏe để phục vụ lao động sản xuất, chống chọi với thiên nhiên; thể hiện tình thân, tinh thần đoàn kết, gắn bó của mỗi người trong cộng đồng làng xã.
Tình Lê