Sáng 16/1/2015, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển vi mạch TP.HCM, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM và Hội vi mạch bán dẫn TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai chương trình phát triển vi mạch TP.HCM (2012-2014).
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Thượng tướng Trương Quang Khánh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ tịch UBND TP.HCM và nhiều lãnh đạo Bộ, ban, nghành.
Trong thời đại công nghệ đang phát triển một cách chóng mặt thì vi mạch đang đóng một vai trò hết sức quan trọng, góp phần rất lớn vào các ứng dụng từ dân sự cho đến an ninh quốc phòng. Chính vì vậy, năm 2012, UBND TP.HCM đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển vi mạch TP.HCM do đồng chí Lê Mạnh Hà làm trưởng ban.
Trong hai năm triển khai chương trình, các văn bản pháp lý đã bước đầu hoàn thiện, những chương trình đào tạo, nghiên cứu, thiết kế chip, xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch và những sản phẩm ứng dụng chip Việt đã được thương mại hóa thành công.
Một số chip Việt phải kể đến là : SG-8V1, KIT DE-8V1, khóa container, thiết bị giám sát hành trình và định vị nguồn phóng xạ…
Theo ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC, công nghiệp vi mạch Việt Nam đang dần hình thành, trong đó TP.HCM đang giữ vị thế đi đầu. Việc đưa chip Việt ra thị trường thông qua sản phẩm ứng dụng là mô hình phù hợp với điều kiện Việt Nam, đầu tư tập trung cho nghành vi mạch, điện tử đang đem lại hiệu quả cao và cần nhân rộng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đặc thù để vi mạch Việt Nam có những bước phát triển đột phá trong những giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thượng tướng Trương Quang Khánh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, việc phát triển công nghệp vi mạch đang rất cần thiết, đặc biệt là với lĩnh vực an ninh quốc phòng. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng muốn làm chủ những con chip do chúng ta tự sản xuất bởi vấn đề đảm bảo an toàn thông tin.
Báo cáo của UBND TP.HCM đánh giá Chương trình phát triển vi mạch TP.HCM hai năm qua đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới, đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực Asean, thu hút các dự án nước ngoài vào Thành phố như : Intel, Samsung, Microchip…Các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất thử đã được chú trọng và có những kết quả bước đầu tốt đẹp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan Trung ương, các hiệp hội trong nước, các tổ chức doanh nghiệp và các nhà khoa học, chuyên gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chương trình cũng còn nhiều mặt hạn chế như chưa triển khai đúng tiến độ, chất lượng thuyết minh đề án chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp, triển khai giữa các đơn vị chưa thật sự nhịp nhàng, đồng bộ. Nguồn vốn của các đơn vị nghiên cứu, phát triển sản phẩm còn hạn chế nên công tác phát triển thị trường chưa theo kịp với nhu cầu và yêu cầu đặt ra.
Phát biểu tại buổi sơ kết, ông Lê Mạnh Hà - phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng đánh giá cao các thành tích mà công nghiệp vi mạch đã đạt được trong thời gian qua. Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ tạo điệu kiện tốt nhất cũng như có những cơ chế thông thoáng, phù hợp cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát triển nghành công nghiệp vi mạch theo hướng bền vững trong tương lai.
Thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 20 tỷ con chip các loại nên hứa hẹn nền công nghiệp vi mạch sẽ trở thành một nghành công nghiệp công nghệ cao mũi nhọn của TP.HCM trong tương lai.