“Cơ hội vàng” đang đến

Phát biểu tại tọa đàm” “Công nghiệp ô tô Việt Nam - Thực hiện hiệp định thương mại tự do: Phát triển theo hướng nào?” do Tạp chí Hải quan tổ chức, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng tiểu ban Hải quan thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%.

Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu- Việt Nam (EVFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đưa thuế nhập khẩu ô tô về 0% vào năm 2030…

Theo bà Tuyết, trên thực tế ngay sau khi cam kết bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ các quốc gia như Thái Lan và Indonesia.

0f492694 nha may vinfast.jpeg
Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được "cơ hội vàng" đang đến?

Với việc thực hiện các cam kết của Hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam giảm khoảng 6,4%/năm liên tục trong vòng 10 năm. Năm 2024, thuế nhập khẩu được áp dụng là 38,1%. Đến năm 2025, thuế suất chỉ còn hơn 30%. Sức ép từ xe nhập khẩu có chất lượng, công nghệ cao, giá cạnh tranh sẽ rất lớn, lợi thế sản xuất lắp ráp trong nước mất dần.

Theo TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), với GDP bình quân đầu người hiện nay đạt 4.000 USD và vẫn tiếp tục tăng lên, thời kỳ “ô tô hóa” đang đến. Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 – 1,8 triệu xe sau năm 2035. Đây là “cơ hội vàng” cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Tuy nhiên, nhìn lại ngành công nghiệp ô tô trong nước, sau 30 năm phát triển, đến nay vẫn đang ở giai đoạn đầu. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan thì chậm hơn khoảng 3 thế hệ. Điều này đặt ra những thách thức rất lớn.

Đánh mất cơ hội?

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Công Thương xây dựng, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, đã xác định ô tô là ngành sản xuất quan trọng, không chỉ đóng góp vào kinh tế- xã hội mà còn đáp ứng các yêu cầu mới, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường; không chỉ đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Những ưu đãi để khuyến khích phát triển, sẽ tập trung dành cho xe sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng xanh. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị đón bắt cơ hội này”, ông Khôi chia sẻ.

anh 2 1604.jpeg
Xuất xưởng ô tô điện tại Nhà máy ô tô VinFast Hải Phòng.

Về phía các doanh cho rằng, định hướng và những chính sách khuyến khích của Chính phủ về xe xanh rất quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi dành cho xe điện như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025); giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống còn từ 1-3 % trong 5 năm (từ tháng 3/2022 đến hết tháng 3/2027). Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác, những chính sách kể trên vẫn còn khá khiêm tốn.

Cộng đồng doanh nghiệp cho biết, đang chờ đợi một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh trong dài hạn.

Hãy nhìn sang Trung Quốc sẽ thấy, quốc gia này đã đạt được thành công trong việc phát triển xe xanh, nhờ hệ thống chính sách được xây dựng đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Về cơ bản, có 3 nhóm chính sách gồm: ưu đãi cho nhà sản xuất, trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe xanh và các thủ tục hành chính ưu tiên xe xanh.

Nếu sớm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, hấp dẫn và dễ thực hiện, sẽ thu hút đầu tư lớn vào xe xanh, kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác cùng phát triển như: công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp nhựa, công nghiệp khai khoáng,… Ngược lại, nếu chính sách ban hành chậm, không đủ hấp dẫn, khó thực hiện… tỷ lệ nhập siêu trong ngành ô tô sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội và thị trường sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Trần Thủy/ Diễn đàn doanh nghiệp

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Công nghiệp ô tô Trung Quốc: Từ vô danh đến dẫn đầu thế giớiChặng đường phát triển của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc kéo dài hơn 7 thập kỉ với bao thăng trầm, cuối cùng đã gặt hái nhiều thành công rực rỡ, bứt phá trở thành dẫn đầu thế giới. Trong đó, ấn tượng nhất là sự tăng trưởng thần kỳ của xe điện.