Trong ba ngày từ 29/6 - 1/7 tại Đà Nẵng đã diễn ra Chương trình đào tạo “Green Hydrogen & Power to X (PtX)” do Chương trình Hỗ trợ Năng lượng ESP thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức. Chương trình nhằm cung cấp cho các học viên kiến thức chuyên ngành về nghành công nghiệp hydrogen xanh, hay còn gọi là Power to X, cũng như các chính sách, kinh nghiệm thực tế để thúc đẩy ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Học viên tham gia là cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch đầu tư, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Viện Năng lượng, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và đại diện từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với giảng viên chính là GS.TS Christoph Menke - giáo sư chuyên ngành Hệ thống Năng lượng, Công nghệ và Kinh tế thuộc trường Đại học ứng dựng Trier, Đức.
Trong hai ngày đầu tiên của khóa học, các học viên được trang bị kiến thức theo 7 mô-đun, bao trùm các chủ đề khác nhau về công nghiệp hydrogen xanh như: quy trình sản xuất hydrogen và PtX, nền kinh tế hydrogen xanh, cơ sở hạ tầng cho phát triển hydrogen xanh, kiến thức về thị trường, các quy định, chính sách cần thiết cùng các tiêu chí bền vững về khí hậu và môi trường…
Hydrogen đóng vai trò như một chất mang năng lượng và phương tiện lưu trữ năng lượng hiệu quả. Các học viên cũng được giới thiệu cách phân biệt giữa hydrogen xanh (green hydrogen) và hydrogen xám (grey hydrogen). Trong khi hydrogen xám được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và là nguồn phát thải các-bon ra môi trường, hydrogen xanh được sản xuất thông qua quá trình điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo và không phát thải các-bon. Ngoài ra, tùy theo công nghệ sản xuất và nguồn vật liệu sử dụng, hydrogen sẽ được quy định thành các màu sắc khác như vàng, xanh lam, đen và đỏ.
Đặc biệt khóa học đã mang tới kiến thức chuyên sâu về công nghệ Power-to-X cho các học viên. Ứng dụng công nghệ PtX cho phép sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất ra các loại vật liệu và dẫn xuất ở trạng thái khác nhau của vật chất như: trạng thái khí Hydrogen, hay lỏng như Ammonia hoặc dưới dạng nhiên liệu tổng hợp như Kerosen. Nhờ đó, các vật liệu và dẫn xuất có thể được vận chuyển, lưu trữ tại những chuỗi cung ứng hiện đại và được giao dịch, buôn bán thuận tiện trên quy mô toàn cầu. Công nghệ PtX tạo ra những chất mang năng lượng đặc biệt cần thiết để gián tiếp điện khí hóa các ngành công nghiệp khó giảm thải, đẩy nhanh tiến trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Đóng góp góc nhìn về hydrogen xanh và công nghệ PtX, đại diện Viện Năng lượng cũng chia sẻ về vai trò của hydrogen xanh được đưa ra trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Theo đó, dự thảo này đặt ra tham vọng sử dụng hydrogen xanh và ammonia xanh để sản xuất điện bằng cách phối trộn một phần với khí tự nhiên hoặc với than trong các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện than trong tương lai để giảm phát thải CO2. Bên cạnh đó, hydrogen xanh cũng sẽ được sử dụng cho công tác dự phòng của các nhà máy nhiệt điện than linh hoạt, đảm bảo độ tin cậy của hệ thống và dự phòng cho việc vận hành của điện gió và điện mặt trời.
Trong ngày làm việc thứ 3, đoàn đã có cơ hội đi tham quan nhà máy lọc dầu Dung Quất, nghe cán bộ nhà máy chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình vận hành nhà máy, cũng như các ứng dụng của hydrogen trong sản xuất. Tại đây, các học viên cũng được chia thành các nhóm làm việc, trình bày về các chủ đề như chiến lược hydrogen xanh và PtX quốc gia, những thách thức khi phát triển ngành công nghiệp hydrogen và PtX quốc gia, cũng như các điều kiện phù hợp để phát triển ngành công nghiệp này.
Khóa đào tạo “Green Hydrogen & Power-to-X” là khóa đào tạo thứ hai do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ thực hiện. Trong thời gian tới, GIZ dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các khóa học phù hợp về hydrogen xanh và PtX cho các đối tượng khác nhau, nhằm nâng cao năng lực, góp phần thúc đầy nghành công nghiệp này phát triển bền vững trong tương lai.
Lệ Thanh