Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND thành phố Cần Thơ ban hành mới đây.

Kế hoạch hướng tới phát triển số lượng doanh nghiệp công nghệ số với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số hiện đại, góp phần hỗ trợ thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

{keywords}
Kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ hướng tới triển khai hiệu quả các giải pháp được đề ra tại Chỉ thị 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Cần Thơ (Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn)

Một mục tiêu đến năm 2025 của Cần Thơ là đưa khu CNTT tập trung Cần Thơ đi vào hoạt động hiệu quả, có trên 80% diện tích xây dựng trong khu được các doanh nghiệp thuê, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào khu.

Cũng đến năm 2025, doanh nghiệp công nghệ số sẽ chiếm 10% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; doanh thu công nghiệp công nghệ số đóng góp 5 – 6% GRDP; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng trên 30% nhu cầu của thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Các mục tiêu đặt ra vào năm 2030 gồm có: doanh nghiệp công nghệ số chiếm 15% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Cần Thơ. Doanh thu công nghiệp công số đóng góp 10% GRDP.

Cùng với đó, đến năm 2030, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đáp ứng trên 50% nhu cầu của thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 70% sản phẩm, dịch vụ công nghệ số có ứng dụng công nghệ mở hoặc công nghệ mới như AI, IoT, Big Data, Blockchain…

Tại kế hoạch, UBND thành phố Cần Thơ cũng xác định rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn, gồm: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số; phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường; phát triển nhân lực công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương; bảo đảm kinh phí.

Cụ thể, về cơ chế chính sách, sẽ rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số; triển khai đồng bộ hiệu quả các cơ chế chính sách của Chính phủ, thành phố về thử nghiệm có kiểm soát với ứng dụng công nghệ số, các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, gia nhập thị trường trong và ngoài nước…

Đối với nhiệm vụ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, Cần Thơ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các giải thưởng sản phẩm công nghệ số của Trung ương và địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số tham gia chương trình các nền tảng đồng hành chuyển đổi số…

UBND thành phố Cần Thơ giao Sở TT&TT là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Từ đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 01 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, theo mô hình của một số nước có nền kinh tế phát triển dựa trên các doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Theo số liệu từ báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 5/2022, cả nước đã có 66.800 doanh nghiệp công nghệ số, tăng gần 3.000 doanh nghiệp so với thời điểm tháng 12/2021.

Vân Anh

Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD

Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD

Việt Nam đặt mục tiêu hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số, có năng lực cạnh tranh quốc tế và có doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025.