Số liệu thống kê về thực trạng phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2016 kể trên được ông Bùi Bài Cường, chuyên viên Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT cho biết tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2017 có chủ đề “IPv6 và Internet of Things” vừa được Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC, thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tổ chức ngày 5/5 tại Hà Nội.

Doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 58 tỷ USD

Ông Bùi Bài Cường cũng cho biết, trong 58 tỷ USD doanh thu ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đạt được trong năm ngoái, công nghiệp phần cứng, điện tử vẫn là lĩnh vực đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn hơn cả, khoảng trên 53 tỷ USD, ước tính chiếm tới hơn 91% tổng doanh thu toàn ngành công nghiệp CNTT. Bên cạnh công nghiệp phần cứng, điện tử, 2 lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số cũng có tiếp tục có sự tăng trưởng doanh thu trong năm ngoái.

Với kết quả đạt được trong năm 2016, số liệu thống kê của Vụ CNTT cũng chỉ ra rằng, trong 7 năm qua, kể từ năm 2010 cho đến hết năm ngoái, công nghiệp CNTT Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, liên tục tăng trưởng doanh thu. Cụ thể, từ mức doanh thu trên 7,62 tỷ USD của năm 2010 lên hơn 25,45 tỷ USD vào năm 2012 và tiếp tục nâng tổng doanh thu của ngành lên ước đạt 58 tỷ USD trong năm 2016, tăng trưởng hơn 14% so với năm 2015 và gấp hơn 7,6 lần so với doanh thu của ngành đạt được năm 2010.

Theo chia sẻ của ông Cường, đây là những số liệu mới được Vụ CNTT cập nhật để phục vụ cho việc xây dựng Sách trắng CNTT-TT năm 2017. Ấn phẩm này dự kiến sẽ được Bộ TT&TT hoàn thiện và phát hành trong tháng 6 năm nay, tiếp tục cung cấp bức tranh tổng thể về hiện trạng phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam, sau 2 năm tạm dừng (2015, 2016).

Trước đó, đề cập đến định hướng chính sách và triển vọng phát triển CNTT Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đã cho biết, CNTT được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong việc định hướng chiến lược dài hạn tại nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định 392 ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Quyết định 1290 ngày 1/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Quyết định 1819 ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”…

Trong đó, riêng về định hướng phát triển ngành công nghiệp CNTT, đại diện lãnh đạo Vụ CNTT cho hay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 15%/năm đối với lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng điểm, trong đó lĩnh vực phần cứng điện tử thu hút 5 tỷ USD đầu tư FDI trong giai đoạn 2015 - 2020; nâng cao sức cạnh tranh, duy trì vị trí là một trong 10 nước đứng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số; TP.HCM và Hà Nội duy trì vị trí thuộc nhóm 10 thành phố hấp dẫn về gia công phần mềm toàn cầu.

Đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực phần cứng - điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT; phát triển các loại hình cung cấp dịch vụ CNTT chuyên nghiệp; hỗ trợ xây dựng tối thiểu 7 Khu CNTT tập trung.

Đại diện lãnh đạo Vụ CNTT nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển các sản phẩm, dịch vụ CNTT trong thời gian tới do Đảng và Nhà nước tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp CNTT. Cụ thể như việc thuê dịch vụ CNTT đã được Nhà nước chủ trương thí điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các doanh nghiệp CNTT tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế theo quy định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, tiềm năng về hạ tầng người dùng viễn thông và xã hội, nhu cầu học tập của người Việt ngày càng tăng và xu hướng công nghệ mới như IoT, Big Data, Mobility… sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới”.

Trên cơ sở nhận thức rõ những khó khăn ngành CNTT phải đối mặt như thiếu vốn, năng lực nghiên cứu phát triển, chiến lược marketing và nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động quốc tế, theo đại diện Vụ CNTT, trong giai đoạn tới, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển ngành như: xây dựng các sản phẩm CNTT trọng điểm nhằm tập trung phát triển và thúc đẩy cạnh tranh; xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất, quản lý chất lượng.

Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng hệ thống đánh giá, sát hạch đạt chuẩn và nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho nhân lực CNTT; đồng thời tăng cường quảng bá và xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp CNTT Việt Nam và các nước.