Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành TT&TT đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng mừng. Đặc biệt, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trong nửa đầu năm nay ước đạt 31,34 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT sáng 14/7. Ảnh: Hồng Nhì |
Báo cáo tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT sáng 14/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết thêm, doanh thu viễn thông phát sinh ước đạt 213.355 tỷ đồng (không tính phần kinh doanh của Viettel ở nước ngoài), bằng 47,41% so với kế hoạch năm 2017.
Trong lĩnh vực bưu chính, hoạt động khai thác mạng lưới, vận chuyển, chuyển phát ổn định. Mạng lưới bưu chính công cộng hiện có 12.738 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,93 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu một điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân đạt 7.164 người/điểm. Việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; các hoạt động phục vụ sách, báo và nâng cao khả năng sử dụng máy tính, truy nhập internet công cộng tại các điểm bưu điện - văn hóa xã tiếp tục được duy trì. Doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 36,73% so với kế hoạch năm và tăng 131% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận đạt 45,5% so với kế hoạch và tăng 205% so với cùng kỳ năm 2016.
Về lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh triển khai các đề án lớn, phát triển công nghiệp CNTT, ứng dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Trong đó, Bộ đã ban hành báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Bộ cũng hoàn thiện và chuẩn bị ban hành sách trắng về CNTT&TT, đồng thời tăng cường phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành trong việc nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc.
Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng luôn được chú trọng. Bộ đã tăng cường triển khai phổ biến và tập huấn Luật An toàn thông tin mạng, phát triển nguồn nhân lực và tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin (ATTT); phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia. Đặc biệt vừa qua, Bộ TT&TT đã kịp thời đưa ra cảnh báo tới các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam về các phương thức tấn công khai thác hệ thống mới của nhóm tin tặc Shadow Brokers; cảnh báo và khuyến nghị xử lý trước nguy cơ bị mã độc WannaCry tấn công, mã hóa dữ liệu quan trọng để đòi tiền chuộc, đồng thời đưa ra những hướng dẫn để thực hiện các biện pháp xử lý khẩn cấp mã độc này. Những nỗ lực này đã góp phần giúp Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn so với nhiều nước khác trên thế giới trong các sự cố mang tính toàn cầu này.
Bộ TT&TT cũng đã tổ chức tốt Diễn tập quốc tế về ứng cứu sự cố máy tính - APCERT 2017; Diễn tập quốc tế về ứng cứu sự cố An toàn thông tin mạng Asean - Japan 2017; Diễn đàn Công nghệ Internet khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - APRICOT 2017,...; phối hợp tần số với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kỹ thuật, dịch vụ (Hệ thống DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet trong nước VNIX, hệ thống quản lý, cấp phát tài nguyên Internet) cũng được thực hiện tốt, đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn và hiệu quả, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Tính đến 30/6/2017, hệ thống VNIX chính thức kết nối IPv6, trở thành nhân tố chính hình thành nên mạng IPv6 quốc gia theo đúng lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận: "Các thành quả nói trên có được nhờ sự nỗ lực, đóng góp của toàn ngành. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và chính phủ giao phó. Đặc biệt biểu dương các doanh nghiệp dù 6 tháng đầu năm rất khó khăn và cạnh tranh trong ngành TT&TT, đặc biệt là trong lĩnh vực VT - CNTT rất khốc liệt nhưng đã có nhiều cố gắng. Lãnh đạo Bộ, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở TT&TT của các tỉnh cũng có công rất lớn, giúp đạt được các kết quả đáng mừng này".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, ưu điểm đã đạt được, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác TT&TT. Ví dụ như, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại nhiều địa phương đạt hiệu quả chưa cao, nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, ... Người đứng đầu ngành TT&TT cũng luôn trăn trở với vấn đề ATTT khi Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới. Nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; Một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát; Nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để khắc phục các khó khăn, tồn tại trong 6 tháng đầu năm 2017 và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TT&TT trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các doanh nghiệp và các Sở TT&TT cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ sẽ tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Cụ thể, đối với lĩnh vực CNTT, Bộ sẽ chú trọng triển khai tốt hoạt động của Ủy ban Tần số vô tuyến điện quốc gia; tập trung hoàn tất giai đoạn 2 và triển khai giai đoạn 3 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.
Ngoài việc tổ chức Tổng kết 10 năm thực hiện Luật CNTT, Bộ sẽ tập trung thúc đẩy việc triển khai Chương trình mục tiêu về CNTT; Chương trình phát triển ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025; các khu CNTT tập trung. Tăng cường giám sát, đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và triển khai dịch vụ công trực tuyến; tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, một nhiệm vụ trọng tâm nữa trong 6 tháng cuối năm 2017 là đẩy mạnh công tác đảm bảo ATTT mạng. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục ATTT phối hợp cùng VNCERT tiến hành tập huấn cho các địa phương cũng như hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng.
"Với nỗ lực quyết tâm cao độ và truyền thống đoàn kết của toàn Ngành, tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu 6 tháng cuối năm 2017", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Tuấn Anh